Biểu dương kịp thời những đóng góp của các già làng có uy tín

Ngày 19-3, tại TP Pleiku (tỉnh Gia Lai), Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và tỉnh Gia Lai tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Quyết tâm thư của già làng các dân tộc khu vực Tây Nguyên. Tham dự có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng 224 già làng và nhiều lãnh đạo bộ, ban ngành.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân với các già làng tại hội nghị
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân với các già làng tại hội nghị

Đâu khó có già làng

Theo Hội Người cao tuổi Việt Nam, các tỉnh Tây Nguyên có khoảng 3.000 già làng. Nhận thức rõ vai trò của già làng, vào tháng 3-2009, Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam phối hợp tổ chức hội nghị biểu dương già làng tiêu biểu khu vực Tây Nguyên. Tại đây, các già làng tiêu biểu đã thay mặt già làng các dân tộc Tây Nguyên thông qua Quyết tâm thư gửi Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khẳng định tư tưởng, tình cảm thủy chung của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đối với Bác Hồ, với Đảng, với Tổ quốc và bày tỏ quyết tâm đồng sức, đồng lòng xây dựng Tây Nguyên phát triển toàn diện, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Sau 10 năm thực hiện Quyết tâm thư, các già làng đã có nhiều đóng góp to lớn, như tổ chức hơn 10.500 buổi tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, phân tích để đồng bào hiểu rõ chỉ có Đảng lãnh đạo thì đồng bào mới được tự do, độc lập, mới có cơm ăn, áo mặc, được học hành, được chăm sóc sức khỏe. Nhiều già làng dù tuổi cao nhưng vẫn nhiệt tình vận động đồng bào  giữ gìn phong tục tập quán, tín ngưỡng tốt đẹp, ăn ở hợp vệ sinh, bảo vệ môi trường, bài trừ hủ tục lạc hậu, đẩy lùi mê tín dị đoan, phối hợp với cơ quan chức năng giải quyết vấn đề đất ở, tái định cư, bảo vệ rừng. Nhiều già làng tự nguyện hiến đất xây dựng các chương trình, dự án, các công trình phúc lợi xã hội...

Tạo điều kiện thuận lợi để già làng phát huy vai trò

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, thời gian qua, các già làng đã tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc Tây Nguyên bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, văn hóa cồng chiêng, tránh tình trạng buôn bán làm thất thoát di sản văn hóa đặc sắc này; tham gia bảo vệ rừng; góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh; xây dựng được khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kiên quyết làm thất bại mọi âm mưu, hành động trực tiếp và gián tiếp của các thế lực thù địch.

Theo Chủ tịch Quốc hội, trong 10 năm qua, 5 nội dung Quyết tâm thư của các già làng Tây Nguyên, đó là xây dựng và củng cố niềm tin với Đảng, với Bác Hồ và Nhà nước; nêu cao tinh thần đoàn kết, tích cực vận động bà con xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tuyên truyền, vận động ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; nâng cao ý thức cảnh giác, đấu tranh với các thế lực thù địch; phát huy vai trò của người cao tuổi… đã trở thành mục tiêu, động lực trong lao động, học tập và xây dựng Tây Nguyên ngày một giàu, mạnh.

Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các già làng tích cực vận động con cháu giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của từng dân tộc; xóa bỏ một số tập tục lạc hậu, mê tín, dị đoan hiện còn tồn tại làm ảnh hưởng đến sự phát triển của từng dân tộc và sự phát triển chung của cộng đồng; không thách cưới, không tảo hôn, không hôn nhân cận huyết thống; không để tang ma kéo dài, ăn uống linh đình, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội... luôn đề cao cảnh giác phòng, chống âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch trong và ngoài nước chống phá công cuộc đổi mới của đất nước, chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc; thực hiện 4 không là “không nghe, không tin, không làm theo và không sợ” kẻ xấu xúi giục, kích động… mà ngược lại phải nghe, phải làm theo chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp tiếp tục quan tâm, động viên, biểu dương kịp thời những đóng góp của các già làng có uy tín. Bên cạnh đó, cần chú ý đến công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số ở các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội, đặc biệt là các sinh viên mới tốt nghiệp ra trường chưa có việc làm... 

Chiều 19-3, làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Gia Lai, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, Gia Lai cần phải tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; tiếp tục chú trọng công tác giáo dục đào tạo, chăm sóc bảo vệ sức khỏe người dân và an sinh xã hội; cần tăng cường hợp tác với các địa phương có chung đường biên giới. Chủ tịch Quốc hội đề nghị tỉnh cần chú trọng, tập trung chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số. Đối với những kiến nghị, đề xuất của tỉnh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, sẽ tổng hợp và chuyển đến cơ quan chức năng để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.
Chiều cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng đoàn công tác đến dâng hoa, dâng hương tại Tượng đài Bác Hồ với nhân dân các dân tộc Tây Nguyên ở Quảng trường Đại Đoàn Kết; đi thăm các nguyên lãnh đạo tỉnh ủy và các gia đình chính sách tiêu biểu tại TP Pleiku.


Tin cùng chuyên mục