Ngày 27-1, khoảng 15.000 người biểu tình đã tràn xuống đường phố ở thủ đô Sanaa của Yemen, kêu gọi lật đổ Tổng thống Ali Abdullah Saleh, 68 tuổi, người đã nắm quyền lãnh đạo nước này trong hơn 30 năm qua.
"Chúng tôi muốn thay đổi chế độ, tổng thống phải ra đi!". Những người biểu tình thắt khăn màu hồng quanh đầu, một biểu tượng của tự do, vẫy cờ màu hồng hô vang khẩu hiệu trên. Họ cũng kêu gọi cải cách kinh tế và chống tham nhũng. Đây là cuộc biểu tình công cộng lớn nhất ở Yemen do các đảng đối lập tổ chức tại bốn khu vực chính ở thủ đô Sanaa.
Abdul Rahman Bafadhl, người đứng đầu phe Hồi giáo đối lập tại nghị viện nói: "Tôi nghĩ rằng những gì đã xảy ra ở Tunisia sẽ ảnh hưởng đến các quốc gia Ả Rập và Yemen là quốc gia đầu tiên trong khối Ả Rập khả năng sớm bùng nổ tình trạng bất ổn quy mô lớn, nhất là sau khi đảng cầm quyền đơn phương sửa đổi hiến pháp khiến Yemen có thể quay lại chế độ độc tài".
Từ đầu năm nay, căng thẳng leo thang giữa các đảng đối lập và đảng cầm quyền tại Yemen sau khi các thành viên nghị viện đơn phương sửa đổi hiến pháp giúp ông Ali Abdullah Saleh có thể tại vị ở ghế tổng thống suốt đời. Các liên minh đối lập tuyên bố sẽ tẩy chay các cuộc bầu cử nghị viện sắp tới và kêu gọi biểu tình chống lại "hành động đơn phương" của đảng cầm quyền.
Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh, một đồng minh của phương Tây, đã trở thành nhà lãnh đạo của Bắc Yemen năm 1978 và tiếp tục lãnh đạo Cộng hòa Yemen khi hai miền nam - bắc thống nhất năm 1990. Ông Saleh tái đắc cử năm 2006. Ông Saleh cũng bị cáo buộc muốn chuyển giao quyền lực cho con trai cả Ahmed, người đứng đầu đội cận vệ tổng thống. Tuy nhiên, ông Saleh đã bác bỏ các cáo buộc này.
Hồi cuối tuần qua, giới chức Yemen đã bắt giữ nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng của Yemen, bà Tawakul Karman, cáo buộc bà tổ chức các cuộc biểu tình chống chính phủ. Việc bắt giữ bà Karman đã làm bùng phát thêm nhiều cuộc biểu tình ở Sanaa. Bà Karman đã được thả hôm thứ hai.
Ng.Khanh (theo THX, BBC)