Bộ GD-ĐT cảnh báo việc “nhiễu” thông tin về đề thi

Bộ GD-ĐT cho biết đã báo cáo các cơ quan chức năng xem xét, xử lý những thông tin giả mạo, sai lệch về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Bộ GD-ĐT đã chuyển toàn bộ những thông tin này cho Cục An ninh chính trị nội bộ (A03), Bộ Công an để làm rõ.

Như tin SGGPO đã đưa, ngay trước khi diễn ra bài thi môn Văn, nhiều ý kiến đã đoán đề Văn năm nay có thể ra vào tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa. Đặc biệt, nhiều phụ huynh, thí sinh cả nước đã theo dõi tài khoản cá nhân Kaito Kid vì hơn 1 lần đoán đúng đề Văn.

Cụ thể, ngày 6-7, tài khoản này đăng tus “Cuối cùng thì màn trình diễn ảo thuật đã kết thúc. Đề thi chính là Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu nha mọi người. Chúc mọi người ngày mai thi tốt nha”. Tài khoản này đã đoán đúng đề Văn ít nhất 3 năm liên tiếp trở lại đây.

Một người dùng Facebook còn đăng tải hình ảnh đoạn tin nhắn hỏi fanpage chính thức của Bộ GD-ĐT về đề Văn và được trả lời với gợi ý tác phẩm xuất hiện trong đề là "Chiếc thuyền ngoài xa" hoặc "Vợ chồng A Phủ". Đoạn tin nhắn được lan truyền rộng rãi do được đăng trong một hội nhóm với 2,7 triệu thành viên.

Khi đề thi môn Văn ra vào tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa, nhiều thí sinh và phụ huynh vui mừng vì cho là “trúng tủ”, khiến dư luận đặt nghi vấn: liệu đề Văn có bị lộ, lọt?

Nghi vấn này khiến Bộ GD-ĐT vào cuộc và báo cơ quan chức năng. Bộ GD-ĐT cho biết đã báo cáo các cơ quan chức năng xem xét, xử lý những thông tin giả mạo, sai lệch về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Bộ GD-ĐT đã chuyển toàn bộ những thông tin này cho Cục An ninh chính trị nội bộ (A03), Bộ Công an để làm rõ.

Bộ GD-ĐT cảnh báo việc “nhiễu” thông tin về đề thi ảnh 1 Thí sinh Hà Nội điền thông tin trước giờ làm bài thi tốt nghiệp THPT 2022. Ảnh: QUANG PHÚC

Ông Nguyễn Sơn Minh, Giám đốc Trung tâm Truyền thông (Bộ GD-ĐT) - đơn vị phụ trách nội dung fanpage chính thức của Bộ GD-ĐT khẳng định, ảnh chụp đoạn tin nhắn trao đổi với fanpage là "ảnh chế". Bộ GD-ĐT đã báo cáo cơ quan chức năng để xử lý, đồng thời cảnh báo người dân không lan truyền, phát tán các thông tin giả mạo.

Đại diện Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT cũng khẳng định "không có chuyện đề Ngữ văn bị lộ". Số lượng tác phẩm trong sách giáo khoa ít, dẫn đến xác suất đoán trúng tên tác phẩm được đưa ra trong đề cao, "nội dung các câu hỏi trong đề được nêu ra đúng mới coi là lộ đề".

Thực tế, trước khi diễn ra kỳ thi, trên các nhóm mạng xã hội của phụ huynh, học sinh, các giáo viên luyện thi, luôn có những gợi ý, đồn đoán về đề môn Văn. Không ít người có dự đoán đúng về tác phẩm mà đề Văn ra, nhưng theo nhiều ý kiến, đó là trùng hợp ngẫu nhiên. Những tác phẩm văn học trong chương trình và sách giáo khoa có rất ít, khoảng 4-5 tác phẩm, việc một số người nói trúng tên tác phẩm không lấy gì làm lạ.

Bộ GD-ĐT cảnh báo việc “nhiễu” thông tin về đề thi ảnh 2 Thí sinh đến điểm dự thi tốt nghiệp THPT 2022. Ảnh: QUANG PHÚC

Trưa 7-7, sau khi các mạng xã hội và báo chí xôn xao về vấn đề này, tài khoản Kaito Kid đã viết trên mạng cho rằng cộng động mạng đã đi quá xa.

“Mình không hề liên quan đến việc lộ đề ở đây. Mình mới là sinh viên thôi, việc đoán đề mình chỉ dựa trên những tác phẩm của những năm trước đã ra thi và với tình hình học tập của mấy bạn học sinh hiện tại để đưa ra dự đoán tác phẩm có khả năng cao sẽ ra thi nhất, mình không hề liên quan đến việc lộ đề”, tài khoản này viết. Tài khoản Kaito Kid cũng cho rằng, tất cả tác phẩm đã đăng chỉ là dự đoán. Và việc đoán chính xác 3 tác phẩm liên tiếp trong 3 năm qua có thể do may mắn.

“Như hôm qua, mình cũng phân vân sẽ chọn "Ai đã đặt tên cho dòng sông" hay "Chiếc thuyền ngoài xa" để đăng lên phỏng đoán. Nhưng vì "Ai đã đặt tên cho dòng sông" đã ra đề minh họa của năm trước rồi nên mình chọn "Chiếc thuyền ngoài xa". Mọi người đừng đẩy sự việc đi quá xa”, tài khoản Kaito Kid nêu.

Những thông tin giả mạo liên quan đến lộ đề thi thường xuyên xuất hiện ở giai đoạn thi tốt nghiệp THPT hàng năm.

Tin cùng chuyên mục