Ngày 16-4, Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức họp trực tuyến với một số sở GD-ĐT về công tác phòng chống dịch; việc triển khai hoạt động dạy học, gồm dạy học qua internet, trên truyền hình; chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng khi học sinh đi học trở lại...
Theo báo cáo của các địa phương, thời gian qua, cơ bản, việc dạy học qua internet, trên truyền hình được triển khai hết sức nghiêm túc. Các địa phương đã nỗ lực có những giải pháp để khắc phục khó khăn. 70-80% học sinh bậc THPT ở các địa phương khó khăn được học trực tuyến, học qua truyền hình.
Hiện nay, nhiều địa phương thông tin dự kiến đề xuất sẽ cho học sinh đi học trở lại vào đầu tháng 5 tới, cùng những giải pháp bảo đảm an toàn cho học sinh, giáo viên khi trở lại trường; nỗ lực để có thể hoàn thành chương trình học trước ngày 15-7 như kế hoạch của Bộ GD-ĐT.
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ, ở bậc đại học, dạy học trực tuyến đã được tiếp cận từ lâu. Nhưng với bậc phổ thông đây là việc mới, và dù là giải pháp tình thế trong tình hình dịch bệnh, nhưng quá trình triển khai đã bước đầu có kết quả, đáp ứng được yêu cầu hiện nay.
Bộ GD-ĐT yêu cầu các địa phương cần rà soát, phân loại học sinh để đưa ra những phương án dạy và học phù hợp, học sinh nào được học trực tuyến đều đặn, chưa đều hoặc chưa được học thì phải có phương án dạy bù khi các em quay lại trường học. Lãnh đạo sở GD-ĐT và hiệu trưởng nào tâm huyết sẽ triển khai thành công.
Các địa phương cũng cần tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên. Bộ GD-ĐT sẵn sàng giới thiệu và hỗ trợ đội ngũ chuyên gia để bồi dường trực tuyến cho giáo viên các địa phương. Cùng với đó, học sinh phải có ý thức tự học, nhất là các em cuối cấp. Phụ huynh học sinh cần động viên, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các em học tập.
Về vấn đề học sinh đi học trở lại, Bộ GD-ĐT nhấn mạnh đây là việc cần được tính toán, xem xét rất kỹ dựa trên nguyên tắc đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh, giáo viên. Các địa phương nằm trong nhóm có nguy cơ cao theo khuyến nghị của Thủ tướng Chính phủ cần xem xét, cân nhắc; địa phương nguy cơ thấp có thể xem xét đề xuất UBND tỉnh cho học sinh đi học trở lại.
“Học sinh đi học phải an toàn, trường học có an toàn mới cho học sinh đi học. Các địa phương có thể tính toán để học sinh lớp 9, lớp 12 đi học trước, các lớp khác học sau, cũng không nhất thiết phải xếp lịch học cả tuần mà có thể xếp học 3 buổi/tuần, đan xen thực hiện dạy học trực tiếp và trực tuyến. Ở mỗi lớp học cũng có thể tách đôi số lượng học sinh để bố trí giảng dạy; kết hợp giữa học trực tiếp và trực tuyến…”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh
Trên tinh thần nội dung dạy học đã tinh giản, các trường xây dựng kế hoạch dạy học theo đúng thời gian và chương trình đã tinh giản, đồng thời tổ chức dạy học và ôn tập sao cho phù hợp, quyết tâm để có thể hoàn thành chương trình trước 15-7, đặc biệt với học sinh khối 12.
Với kỳ thi THPT quốc gia, tại cuộc họp, nhiều lãnh đạo sở GD-ĐT nêu mong muốn vẫn tổ chức thi. Việc giữ ổn định kỳ thi tránh được nhiều xáo trộn, đặc biệt với học sinh. Hiện nay, số lượng học sinh có nhu cầu thi đại học rất lớn, nếu không tổ chức thi THPT quốc gia, các em sẽ phải đến thành phố lớn để dự thi tại các trường đại học, rất áp lực và căng thẳng, tốn kém. Về nội dung này, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết, Bộ GD-ĐT sẽ tính toán để có phương án phù hợp cho mọi tình huống.
Đến nay, đã có tỉnh Cà Mau quyết định cho học sinh lớp 9, 12 đi học lại từ ngày 22-4. Một số địa phương như Hà Nam, Quảng Ninh, Đồng Tháp.. thông báo cho học sinh nghỉ đến đầu tháng 5. Hà Nội thông báo cho học sinh tiếp tục nghỉ từ 16-4. Các địa phương khác vẫn chưa thông báo thời điểm học sinh đi học trở lại.
- Nhóm 12 tỉnh, thành nguy cơ cao: Bắc Ninh, Bình Thuận, Đà Nẵng, Hà Nội, TPHCM, Khánh Hòa, Lào Cai, Ninh Bình, Quảng Nam, Quảng Ninh, Tây Ninh, Hà Tĩnh. - Nhóm nguy cơ gồm 15 địa phương: Bình Dương, Thái Nguyên, Cần Thơ, Nam Định, Hà Nam, Nghệ an, Hải Phòng, Kiên giang, Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế, Lạng Sơn, An Giang, Bình Phước, Đồng Tháp, Sóc Trăng... - Nhóm nguy cơ thấp gồm 36 địa phương còn lại |