Ngày 9-5, Bộ Nội vụ tổ chức họp báo cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí. Tại đây, câu hỏi được quan tâm là trong nội dung Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ công chức và Luật Viên chức đang trình Quốc hội xin ý kiến bỏ hình thức kỷ luật giáng chức. Điều này có làm mất đi tính nghiêm minh, nghiêm khắc của việc thực thi pháp luật không?
Ông Nguyễn Tư Long, Phó Vụ trưởng Vụ Cán bộ công chức, viên chức (Bộ Nội vụ) khẳng định, không ảnh hưởng đến tính nghiêm minh, nghiêm khắc khi bỏ hình thức kỷ luật giáng chức. Tuy nhiên, nội dung này khi đưa ra thảo luận vẫn còn có những ý kiến khác nhau.
Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa chủ trì buổi họp báo Theo ông Long, nói không ảnh hưởng vì hình thức kỷ luật giáng chức chỉ áp dụng đối với công chức lãnh đạo quản lý. Ngoài hình thức này còn có hình thức kỷ luật cách chức. Hiện tại đang có 5 hình thức xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức gồm: khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức và buộc thôi việc. Ở giữa giáng chức và cách chức, quá trình thực thi người Việt Nam có những lúc duy tình.
Ông Long cho biết, lẽ ra phải sử dụng hình thức mạnh mẽ là cách chức, nhưng đâu đó vẫn có hiện tượng chỉ áp dụng hình thức giáng chức. Đây không phải là lách luật mà là giảm nhẹ hình thức kỷ luật.
“Bộ Nội vụ đã nêu quan điểm trình Chính phủ, Chính phủ cũng thống nhất trình bỏ hình thức kỷ luật giáng chức, nếu không phải là khiển trách, cảnh cáo thì cán bộ công chức là lãnh đạo quản lý sẽ bị xử lý nghiêm khắc bằng hình thức cách chức”, ông Long cho biết.
Ông Nguyễn Tư Long, Phó Vụ trưởng Vụ Cán bộ công chức, viên chức (Bộ Nội vụ) Thông tin với báo chí, lãnh đạo Vụ Cán bộ công chức, viên chức cũng cho biết, việc bỏ hình thức kỷ luật giáng chức đáp ứng yêu cầu tương thích với 4 hình thức kỷ luật mà Đảng quy định, gồm: khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ khỏi Đảng. Điều này giúp bảo đảm sự liên thông trong công tác cán bộ.
GIA KHÁNH