Mấy hôm rồi, dân mạng bàn tán nhiều về bài văn “lạ” có tựa đề “Viết về bố” dưới cách nhìn thật thà, ngộ nghĩnh của bé Đỗ Hồng Anh, 8 tuổi, học sinh Trường Tiểu học Xuân La (Hà Nội). Nội dung bài viết tả về ông bố lười thế này. “Nhà em có nuôi một ông bố tên là Đỗ Mạnh Hà. Hàng ngày bố chỉ đi kiếm tiền rồi về nhà nằm ườn ra đấy. Đến bà là người to nhất vẫn phải làm việc còn bố là người duy nhất không làm việc. Lúc ăn cơm gọi mấy cũng chưa lên còn bảo đợi tao tí. Lúc ăn cơm xong cả gia đình cùng dọn, bố trả (chả) dọn rồi xuống chat Za lô (Zalo) với học sinh. Em bé còn phải đút xoài cho bố, từ nay em không làm ôsin nữa. Em rất yêu vừa chứ không yêu lắm”.
Thấy cháu viết lại bài văn tả ông bố lười khá ngộ nghĩnh, anh đăng lên trang cá nhân cho sinh viên xem để cùng chia sẻ, nào ngờ nó lan truyền nhanh trên mạng. Được biết, “ông bố” đó là anh Đỗ Mạnh Hà, công tác tại Trung tâm Công nghệ Thông tin - Đại học Thương mại Hà Nội. Vì nhiều việc nên anh Hà thường trở về nhà muộn và cũng tranh thủ làm thêm ở nhà. Anh kể, trước đó, cháu viết bài văn tả bố tương tự theo mẫu giống nhiều bạn cùng lớp, mở đầu là: “Bố em là giảng viên, làm kinh doanh và lãnh đạo công ty. Mỗi sáng em được bố đưa đi học và khi trở về nhà bố tắm cho em…”. Tình cờ anh Hà đọc bài văn này của con và tỏ ra không hài lòng. Anh gọi con lại: “Bố không phải là người thường xuyên tắm cho con. Con nhìn thấy thế nào thì hãy viết như vậy, không là… điêu đấy!”. Anh bắt con viết lại bài văn, phải tả thật đúng về bố, không được tô vẽ cho đẹp, thêm bớt cho hay. Anh bảo, anh không muốn tạo cho con thói quen giả dối, là phải đạt điểm cao bằng bài văn thật hay, thật đẹp, thật tốt về người cha. Anh muốn con phát triển tự nhiên, coi học tập là niềm say mê, sáng tạo. “Năm lớp 1, cháu chỉ là học sinh trung bình, tôi cũng không buồn lòng, vì cháu còn nhỏ, không muốn gây áp lực cho cháu. Miễn sao cháu ngoan ngoãn, nhà cửa sạch sẽ và biết chăm em gái 3 tuổi”, anh tâm sự.
Cái hay của bài văn không phải hay ở bài văn. Điều làm chúng ta suy ngẫm ở đây chính là cách giáo dục hiện nay. Dường như chúng ta đang nhồi nhét kiến thức xã hội và nhân văn cho học sinh theo những khuôn mẫu định sẵn, buộc các em phải thuộc lòng một cách máy móc, vô hồn. Phải chăng cách giáo dục hiện nay nhiều lúc vô tình làm mất đi sự trong trắng, ngây thơ, sự sáng tạo của trẻ nhỏ, làm cho trẻ nhiễm thói quen giả dối từ lúc học đánh vần ê a?
TUẤN SƠN