Ngày 27-10, Quốc hội đã dành trọn buổi sáng để thảo luận về những nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB - sửa đổi).
Băn khoăn khi đánh thuế bia hơi, máy điều hòa
Đối tượng chịu thuế TTĐB là phần có nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí trái ngược giữa các ĐB Quốc hội. Mặt hàng bia các loại tiếp tục nhận được nhiều ý kiến không đồng tình với dự thảo luật.
ĐB Lương Phan Cừ (Đắc Nông) cho rằng, dự thảo luật điều chỉnh hơi “sốc”: không phân biệt bia hơi, bia tươi với bia lon, bia chai mà quy định mức thuế suất chung đối với bia là 45% từ 2010 đến 2012; từ 2013 trở đi là 50%. Theo ĐB, cần tính toán một tỷ lệ phù hợp hơn bởi “bia bản chất là một chất dinh dưỡng, vấn đề là chống uống quá nhiều, say xỉn gây ra những hậu quả khác”.
ĐB Nguyễn Hồng Sơn (Hà Nội) cũng phân tích: Việc tăng thuế tiêu thụ liên tục như dự thảo luật sẽ làm cho các cơ sở sản xuất bia hơi gặp khó khăn đột biến, bởi các cơ sở sản xuất bia hơi chiếm tỷ lệ sử dụng người lao động rất cao trong toàn quốc và đều là các cơ sở sản xuất kinh doanh vừa và nhỏ. “Với đặc thù bia hơi thì chúng ta hoàn toàn có thể bảo vệ cơ sở sản xuất kinh doanh của chúng ta mà không làm ảnh hưởng đến cam kết quốc tế, vì các nước không sử dụng bia hơi. Vì vậy, tôi đề nghị bỏ bia hơi ra khỏi đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt hoặc giữ nguyên mức thuế suất như hiện nay” – ĐB Sơn đề nghị.
ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) cho rằng, đến nay, mặt hàng máy điều hòa nhiệt độ không còn là mặt hàng xa xỉ đối với người dân; chủ yếu người dùng quan tâm đến tiền điện phải chi trả khi dùng máy điều hòa. Mặt khác, khi so sánh với những mặt hàng tiêu dùng cao cấp khác như ti vi plasma thì máy điều hòa chưa phải là mặt hàng quá đắt tiền. Vì vậy, nên tính toán đưa mặt hàng này ra khỏi diện chịu thuế. Cùng tán thành quan điểm này có các ĐB Mai Hữu Tín (Bình Dương), Hà Tuấn Hải (Phú Thọ), Trần Văn Tấn (Tiền Giang)...
Trong phiên thảo luận sáng nay, các ĐB Phan Thị Thanh (Bắc Cạn), Đỗ Hữu Lâm (Long An) bày tỏ quan điểm nên giữ mặt hàng máy điều hòa nhiệt độ trong danh mục chịu thuế đặc biệt bởi hiện nay mặt hàng này mới chỉ tiêu dùng ở khu vực dân cư thu nhập cao, tiêu thụ nhiều điện năng nên vẫn phải thu thuế. Tuy nhiên, có thể tính toán giảm mức thuế suất đối với mặt hàng này.
Bổ sung thu thuế dịch vụ chăm sóc sắc đẹp!
“Do chưa có đánh giá toàn diện và chưa có sự rà soát kỹ lưỡng để lựa chọn cẩn thận các đối tượng chịu thuế, nên tôi nhận thấy lần này chúng ta đã bỏ qua rất nhiều đối tượng chịu thuế” - ĐB Nguyễn Thị Mỹ Hương (TP Đà Nẵng) bày tỏ băn khoăn.
ĐB Nguyễn Thị Mỹ Hương nêu ví dụ: những sản phẩm chỉ dành cho những người có thu nhập cao như mỹ phẩm, có những loại kem dưỡng da giá có thể lên đến 20 triệu đồng mà chúng ta cũng chưa cân nhắc, xem xét đưa vào đối tượng chịu thuế. Đồng quan điểm này, ĐB Nguyễn Văn Bình (TP Hải Phòng) đề nghị bổ sung thêm dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hoạt động kinh doanh thẩm mỹ viện, chăm sóc sắc đẹp. Ýù kiến này đã nhận được sự tán thành của nhiều ĐB nữ: Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận), Huỳnh Thị Hoài Thu (Đồng Tháp)…
ĐB Hà Tuấn Hải (Phú Thọ) cũng đề nghị tăng thuế suất đối với dịch vụ kinh doanh golf từ 20% như dự thảo lên 25%-30%, vì người sử dụng dịch vụ này đa số là những người có thu nhập cao. Đồng thời, để định hướng hoạt động kinh doanh golf theo hướng hạn chế việc xây dựng sân golf tràn lan, làm thu hẹp diện tích đất nông nghiệp, đe dọa đến an ninh lương thực.
Quản lý nợ công phải chặt chẽ và minh bạch
Buổi chiều, thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Quản lý nợ công, các ĐBQH cho rằng, việc vay vốn cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội là cần thiết. ĐB Phạm Phương Thảo (TPHCM) cho biết, nếu Nhà nước không vay nợ thì khó có thể phát triển được cơ sở hạ tầng. Nhu cầu xây dựng cơ bản, tính riêng ở TPHCM, mỗi năm cần đến 15.000 tỷ đồng, nhưng chỉ cân đối được khoảng 50%: “Để chống được ngập nước, kẹt xe ở thành phố, cần đến số vốn lên đến hàng chục tỷ USD, nếu không vay nợ thì không thể làm được”. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là việc quản lý nợ công thế nào cho hiệu quả, và “quan trọng nhất là phải tính được khả năng trả nợ”.
Nhiều ĐB lo ngại rằng, lâu nay khâu quản lý nợ công rất lỏng lẻo. Vì vậy, quản lý nợ công phải thật chặt chẽ và minh bạch. ĐB Vũ Hồng Anh (Hà Nội) nhấn mạnh, nợ công sẽ được trả bằng ngân sách Nhà nước, và đây chính là tiền thuế của nhân dân, nên người dân phải được biết nợ công của Chính phủ là bao nhiêu. Với nội dung như dự thảo, Quốc hội và cử tri chưa thể có điều kiện nắm được thông tin này.
Theo ĐB Nguyễn Lân Dũng (Đắc Lắc), Chính phủ báo cáo nợ công vẫn trong tình trạng an toàn, nhưng chính xác số tiền là bao nhiêu, an toàn như thế nào thì không biết: “Thay mặt nhân dân, ĐBQH cần phải biết rõ vấn đề này để giải đáp lại cho các cử tri”.
Nhiều ĐBQH cho rằng, Luật Quản lý nợ công cần phải xác định nguyên tắc: vay nợ chỉ được thực hiện khi đáp ứng đủ các điều kiện, tiêu chí luật định, chỉ vay trong trường hợp thực sự cần thiết, tuyệt đối tránh vay tràn lan, tạo gánh nặng trả nợ cho thế hệ sau.
Dự thảo luật chỉ quy định một nguyên tắc chung là người đi vay chịu trách nhiệm toàn bộ về việc trả nợ vốn vay, song không làm rõ biện pháp xử lý khi người vay vốn không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ trả nợ. Để tạo căn cứ pháp lý cho việc xử lý đối với các đối tượng này, nhiều ĐBQH đề nghị quy định biện pháp chế tài trong trường hợp không trả nợ vốn vay.
ĐB Nguyễn Việt Dũng (TPHCM) băn khoăn: những khoản DN được Chính phủ bảo lãnh vay thì khi họ phá sản ai sẽ là người phải trả nợ? Ông đề nghị Chính phủ phải có nghị quyết rõ ràng khi bảo lãnh cho DN vay. ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) nói nếu quản lý tốt dòng tiền thì sẽ không phải đi vay nhiều như hiện nay: “Tiền nằm trong kho bạc nhiều năm lên tới vài chục ngàn tỷ đồng, nhưng các dự án đầu tư vẫn phải đi vay lãi cao. Đó là sự bất hợp lý”.
Việt Lan – Hàm Yên