Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng: Chung quá thì thành nghị quyết, chi tiết quá thì dễ chồng chéo

“Có ý kiến cho rằng quy hoạch còn “mờ”, nhưng nếu chi tiết quá lại chồng chéo với quy hoạch ngành, tỉnh, vùng”, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng chia sẻ.

Chiều 21-12, tiếp tục chương trình Phiên họp 18, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Cho ý kiến về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định, bên cạnh hành lang kinh tế Bắc – Nam, cần ưu tiên phát triển hành lang kinh tế Đông - Tây.

“Nếu không chú trọng thiết kế hướng Đông - Tây thì nhiều cơ sở hạ tầng, nhất là các cảng biển, hiệu quả sẽ giảm đi rất nhiều, thậm chí các nước sẽ không sử dụng cảng của ta”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Chẳng hạn, trục hành lang Hải Phòng - Quảng Ninh, nếu không làm tốt thì hàng hóa của ASEAN sẽ qua cảng Phòng Thành (Trung Quốc) rồi ra biển quốc tế chứ không thông qua cảng biển của Việt Nam. Vì thế, một hành lang rất quan trọng cần được ưu tiên đầu tư trước là hành lang Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, kết nối với “1 vành đai, 1 con đường” của nước bạn. Tương tự là hành lang Lao Bảo - Đông Hà - Đà Nẵng; Mộc Bài - TPHCM - Vũng Tàu. Tuy nhiên, với từng hành lang kinh tế, cũng cần xác định những đoạn tuyến ưu tiên để phát triển trước.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định góp ý về Quy hoạch tổng thể quốc gia

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định góp ý về Quy hoạch tổng thể quốc gia

Cùng quan tâm đến tính liên kết, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, Quy hoạch tổng thể quốc gia mang tính chiến lược theo hướng phân vùng và liên kết vùng, còn nội dung chi tiết nằm ở các quy hoạch khác như quy hoạch đất đai, biển, vùng, ngành, tỉnh... Những quy hoạch này đang làm và có sự kết nối với nhau.

“Quy hoạch tổng thể định hướng, tạo hành lang để các quy hoạch khác phải theo, có kết nối, cộng hưởng, phát huy. Quy hoạch này cũng là giới hạn không gian để các quy hoạch ngành, quy hoạch tỉnh... không được phá vỡ”, ông nói.

Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Khắc Định, quy hoạch phải có tính “mở” để có thể điều chỉnh, bổ sung trong quá trình phát triển, “không nên cứ sửa tên một dự án cụ thể nào cũng phải trình Quốc hội”.

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng vấn đề phát triển không gian biển chưa được phác họa rõ nét

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng vấn đề phát triển không gian biển chưa được phác họa rõ nét

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng đây là vấn đề khó, mới, chưa có tiền lệ nhưng Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội đã rất nỗ lực, hồ sơ thể hiện sự công phu, đủ điều kiện trình Quốc hội. Tuy nhiên, theo ông, vấn đề phát triển không gian biển chưa được phác họa rõ nét, nhất là vận tải biển và dịch vụ hàng hải, trong khi đây là lĩnh vực nước ta có tiềm năng, thế mạnh.

Dẫn dự thảo nghị quyết quy định danh mục dự án quan trọng quốc gia và danh mục ưu tiên, ông Bùi Văn Cường đề nghị làm rõ cơ sở lựa chọn đưa vào danh mục.

Báo cáo giải trình thêm tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng nói, đây là đề án “rất khó, chưa làm bao giờ”. Cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu nghiêm túc các ý kiến đóng góp để hoàn thiện. Vấn đề khó nhất, theo người đứng đầu ngành KH-ĐT, là phạm vi và ranh giới quy hoạch nên dừng ở mức độ nào.

“Có ý kiến cho rằng quy hoạch còn “mờ”, nhưng nếu chi tiết quá lại chồng chéo với quy hoạch ngành, tỉnh, vùng”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ. Theo người đứng đầu ngành KH-ĐT, Quy hoạch tổng thể “nằm giữa chiến lược, nghị quyết với quy hoạch chi tiết nên việc xây dựng sẽ cố gắng đảm bảo điều này”.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, sau khi được hoàn thiện, đề án sẽ được trình ra Quốc hội tại kỳ họp bất thường tới đây.

Tin cùng chuyên mục