Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân: Tập trung đầu tư các sản phẩm mang thương hiệu đất nước

Những ngày qua, Hà Nội, TPHCM và một số tỉnh, thành trên cả nước đã tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Khoa học và công nghệ (KH-CN) Việt Nam 18-5. Từ đây, ngành KH-CN được kỳ vọng sẽ có những chuyển biến thuận lợi, tốt đẹp hơn và được xã hội quan tâm nhiều hơn. Dịp này, TS Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ KH-CN đã có những chia sẻ với PV Báo Sài Gòn Giải Phóng xoay quanh định hướng phát triển ngành KH-CN nước nhà.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân: Tập trung đầu tư các sản phẩm mang thương hiệu đất nước

Những ngày qua, Hà Nội, TPHCM và một số tỉnh, thành trên cả nước đã tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Khoa học và công nghệ (KH-CN) Việt Nam 18-5. Từ đây, ngành KH-CN được kỳ vọng sẽ có những chuyển biến thuận lợi, tốt đẹp hơn và được xã hội quan tâm nhiều hơn. Dịp này, TS Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ KH-CN đã có những chia sẻ với PV Báo Sài Gòn Giải Phóng xoay quanh định hướng phát triển ngành KH-CN nước nhà.

TS Nguyễn Quân

TS Nguyễn Quân

- PV: Xin bộ trưởng cho biết ý nghĩa của Ngày KH-CN Việt Nam 18-5?

>> Bộ trưởng NGUYỄN QUÂN: Giới KH-CN Việt Nam đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của đất nước suốt mấy chục năm qua, nhưng chưa có một ngày họ thực sự được tôn vinh. Vì vậy, khi xây dựng Luật KH-CN năm 2013, chúng tôi đã đề xuất và được Quốc hội chấp nhận lấy ngày 18-5 làm Ngày KH-CN Việt Nam. Thông qua đây, những người làm khoa học có cơ hội tự giới thiệu công việc, thành tựu công nghệ của mình với toàn xã hội. Từ đó, xã hội có sự quan tâm nhiều hơn đến khoa học, không chỉ về tinh thần, mà còn về các nguồn lực đầu tư.

- Có ý kiến cho rằng kinh phí chi cho nghiên cứu khoa học hiện chiếm tỷ lệ rất nhỏ, liệu điều này có hợp lý?

Luật KH-CN cho phép dành 2% tổng chi ngân sách quốc gia cho KH-CN, nhưng trong 2% này, kinh phí thực sự dành cho nghiên cứu chỉ trên 10%. Điển hình, năm 2013, tổng chi ngân sách quốc gia của Việt Nam hơn 1 triệu tỷ đồng thì chi cho KH-CN khoảng 20.000 tỷ đồng. Số thực chi cho nghiên cứu khoa học từ trung ương đến địa phương chưa tới 3.000 tỷ đồng. Đây là một con số rất khiêm tốn. Tuy nhiên, xu hướng chung của các nước phát triển trong khu vực là giảm dần đầu tư công, tăng cường các nguồn đầu tư xã hội hóa, đặc biệt là các nguồn đầu tư của doanh nghiệp. Trong năm 2013, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đã dành khoảng 100 triệu USD cho quỹ KH-CN của mỗi tập đoàn (cao gấp rưỡi số tiền từ ngân sách nhà nước). Nếu 111 tập đoàn và tổng công ty nhà nước của Việt Nam đều dành đầu tư cho KH-CN một tỷ lệ cao, tôi tin chúng ta sẽ có được một nguồn đầu tư khá dồi dào, đủ khả năng đáp ứng nhu cầu nghiên cứu khoa học hiện nay.

- Như vậy, doanh nghiệp có vị trí then chốt trong chiến lược phát triển ngành KH-CN Việt Nam?

Trong chiến lược KH-CN, chúng ta đã xác định doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới công nghệ quốc gia, là nguồn cầu quan trọng nhất của thị trường công nghệ. Theo thị trường phát triển công nghệ mà Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt, có 4 khâu được quan tâm là nguồn cung, nguồn cầu, thể chế trung gian và thể chế chính sách của nhà nước. Trong 4 khâu này, doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm và quan trọng nhất, bởi doanh nghiệp có đổi mới công nghệ thì mới có được sản phẩm phục vụ cho nhu cầu xã hội và tăng trưởng GDP quốc gia.

Hiện nay, Bộ KH-CN có 2 chương trình quốc gia về KH-CN liên quan đặc biệt đến doanh nghiệp đó là chương trình đổi mới công nghệ quốc gia và chương trình nâng cao năng suất chất lượng của hàng hóa doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020. Nếu thực hiện thành công các chương trình này, chúng ta sẽ rút ngắn được khoảng cách lạc hậu công nghệ với các nước khác.

- Để đuổi kịp các nước trong khu vực và thế giới về công nghệ, ngành KH-CN Việt Nam đã có những giải pháp cụ thể nào?

Đến năm 2020, Việt Nam phấn đấu trở thành nước công nghiệp tiến tới hiện đại với những mục tiêu rất quan trọng, bao gồm: Tỷ trọng giá trị hàng hóa công nghệ cao, hoặc ứng dụng công nghệ cao phải đạt 40% sản xuất công nghiệp; tốc độ tăng trưởng của thị trường công nghệ mỗi năm phải từ 15% - 17%; phải có những sản phẩm quốc gia đem về cho đất nước tốc độ tăng trưởng nhanh, giá trị gia tăng lớn. Ngoài ra, một số lĩnh vực KH-CN của Việt Nam phải đạt trình độ thế giới, nằm trong nhóm các nước dẫn đầu Asian về trình độ phát triển KH-CN… Ngoài ra, chúng ta vẫn phải đầu tư cho nông nghiệp, các ngành khác, nhưng để trở thành một nước công nghiệp, ưu tiên hàng đầu là nhà nước phải dành một tỷ trọng lớn hơn cho KH-CN.

Hiện Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 9 sản phẩm quốc gia như lúa gạo; vaccine; phần mềm an ninh mạng; các thiết bị cơ khí siêu cường, siêu trọng; cá da trơn; nấm ăn và nấm dược liệu… Đây là những sản phẩm Việt Nam có thế mạnh. Sắp tới, nhà nước và ngành KH-CN phải tập trung đầu tư để các sản phẩm đó không chỉ trở thành sản phẩm chủ lực mà phải mang thương hiệu Việt Nam.

- Xin cảm ơn bộ trưởng.

TƯỜNG HÂN

Tin cùng chuyên mục