Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện: Quản lý văn hóa phải mềm mại, hài hòa với thực tiễn

Năm 2017 ghi nhận nhiều thành tích của ngành văn hóa- thể thao- du lịch, trong đó đáng chú ý nhất là bước phát triển vượt bậc của ngành công nghiệp không khói khi đón lượng khách quốc tế lên tới 12,9 triệu lượt. Song đây cũng là một năm nhiều cảm xúc đối với người làm văn hóa khi nhiều hạn chế trong công tác quản lý đã bộc lộ, thậm chí gây “bão” dư luận.
PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện về bức tranh toàn cảnh của ngành trong năm qua.
Nghiên cứu đề xuất mô hình quản lý mới đối với du lịch
° Phóng viên: Năm 2017, du lịch đạt mức tăng trưởng rất cao, đóng góp không nhỏ vào việc tăng trưởng kinh tế của đất nước. Đây được coi là một bước phát triển thần kỳ, song để du lịch- ngành công nghiệp không khói sớm theo kịp tốc độ phát triển của một số nước như Thái Lan, Singapore… phát triển bền vững trong tương lai, theo Bộ trưởng cần có những giải pháp gì?
° Bộ trưởng NGUYỄN NGỌC THIỆN: Năm 2017, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tiếp tục đà tăng trưởng đạt hơn 12,9 triệu lượt, tăng gần 3 triệu lượt khách; phục vụ 74 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 500.000 tỷ đồng.
Du lịch Việt Nam đứng thứ 6 trong 10 nước có tăng trưởng du lịch cao nhất thế giới, đứng đầu Châu Á về tốc độ phát triển du lịch. Đây cũng là một năm bội thu của du lịch Việt Nam khi nhận được nhiều giải thưởng du lịch uy tín, chứng tỏ thương hiệu du lịch Việt Nam đang ngày càng được định vị trên trường quốc tế.
Công tác quảng bá, xúc tiến du lịch trong năm qua đã có nhiều bước tiến, tập trung đẩy mạnh xúc tiến tại các thị trường khách truyền thống và các thị trường khách còn dư địa, có khả năng tăng trưởng mạnh, phát huy sức mạnh nguồn lực. Đầu tư phát triển du lịch tăng cả về số lượng và chất lượng với nhiều dự án từ các tập đoàn kinh tế có tiềm lực tài chính.
Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện: Quản lý văn hóa phải mềm mại, hài hòa với thực tiễn ảnh 1 Trình diễn nghệ thuật đờn ca tài tử - di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, 
phục vụ công chúng tại TPHCM. Ảnh: LỘC AN
Chính sách visa ngày càng thông thoáng cũng tạo được sức hút mạnh đối với du lịch... Với những điểm sáng liên tiếp, đóng góp lớn vào GDP của nhiều địa phương cũng như cả nước, ngành du lịch đang từng bước khẳng định vị thế của ngành kinh tế mũi nhọn, xứng đáng với kỳ vọng của toàn xã hội.
Du lịch được coi là ngành “công nghiệp không khói” mang về một nguồn thu không nhỏ cho nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, chặng đường phát triển của ngành du lịch nước ta vẫn còn đối diện nhiều thách thức để theo kịp tốc độ của một số nước như Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia… cần thực hiện đồng bộ nhiều việc.
Cụ thể như đổi mới mạnh mẽ tư duy, phát triển du lịch theo quy luật kinh tế thị trường. Nâng cao ý thức của người nhân, doanh nghiệp và cộng đồng trong xây dựng hình ảnh du lịch Việt Nam thân thiện và an toàn. Cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, phát triển bền vững.
Chú trọng nguồn lực cơ chế chính sách, nguồn lực tài chính và nguồn lực con người; cơ cấu lại sản phẩm du lịch; thị trường du lịch và việc phát triển nguồn nhân lực. Năm 2018, ngành Du lịch sẽ triển khai thực hiện đề án điều chỉnh Chiến lược và Quy hoạch phát triển du lịch theo hướng tập trung nguồn lực xây dựng các khu vực động lực phát triển du lịch với các loại hình sản phẩm du lịch nổi trội, chất lượng cao… 
° Một số chuyên gia cho rằng muốn du lịch cất cánh thì phải có những chính sách gần gũi, thực tế hơn, coi du lịch như một ngành kinh tế thay vì tư duy quản lý theo kiểu ghép chung du lịch với văn hóa như hiện nay. Quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này?
° Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng và mang nội dung văn hóa sâu sắc. Phát triển du lịch ở mọi lãnh thổ đều dựa trên các giá trị và nội hàm văn hóa. Do đó, Chính phủ đã xác định gắn công tác quản lý phát triển du lịch trong bộ máy quản lý nhà nước với văn hóa.
Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn có đề xuất nhiệm vụ mô hình hệ thống tổ chức quản lý ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới. Thực hiện Nghị quyết, Bộ VH-TT-DL sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất mô hình quản lý ngành du lịch trong thời gian tới để trình Thủ tướng Chính phủ.
Để di sản thực sự là tài sản quý giá
° Cùng với các tài nguyên khác, di sản văn hóa sẽ là nguồn tài nguyên phong phú cho phát triển du lịch, nhất là ở các địa phương. Với tư cách là “tư lệnh ngành” VH-TT-DL, Bộ trưởng có sáng kiến như thế nào để góp phần bảo vệ các di sản hòa hợp với việc khai thác, phát huy giá trị di sản trong đời sống, phát triển du lịch, hạn chế việc làm sai lệch bản chất của di sản?
° Cùng với việc bảo tồn, chúng ta phải cố gắng phát huy các giá trị các di sản văn hóa, mang lại giá trị kinh tế-xã hội, thu hút khách du lịch và tạo ra nguồn thu cho nhân dân để di sản thực sự là tài sản quý giá. 
Để làm được điều đó, chúng ta cần tiếp tục xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách phù hợp với các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong thời kỳ giao lưu, hội nhập hiện nay. Tăng cường việc phối, kết hợp để tạo sự thống nhất, đồng bộ, liên ngành trong việc trong các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.
Tiếp tục xây dựng và mở rộng mạng lưới liên kết các tổ chức, các câu lạc bộ, các nghệ nhân tiêu biểu, các nhà nghiên cứu di sản văn hóa phi vật thể để chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động nhận diện, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.
Bên cạnh đó sẽ duy trì và phát triển các biện pháp, hình thức kết hợp trong truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể. Công tác đào tạo nguồn nhân lực bảo vệ di sản văn hóa và lực lượng hướng dẫn viên du lịch có chuyên môn, nghiệp vụ và hiểu biết sâu về di sản văn hóa cũng được đẩy mạnh.
Duy trì và mở rộng các hoạt động hợp tác quốc tế về di sản văn hóa nói chung và bảo vệ, phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể nói riêng, để tạo điều kiện cho di sản được giới thiệu, tôn vinh, chủ thể văn hóa được giao lưu, học hỏi với bạn bè quốc tế.
Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện: Quản lý văn hóa phải mềm mại, hài hòa với thực tiễn ảnh 2 Biểu diễn hòa nhạc trong chương trình Giai điệu mùa thu
° Với lĩnh vực quản lý nghệ thuật biểu diễn thì năm 2017 là một giai đoạn sóng gió với hàng loạt các sự vụ nổi cộm như: sự cứng nhắc, thiếu linh hoạt trong cấp phép các ca khúc; lỏng lẻo trong quản lý, thiếu các chế tài đủ mạnh dẫn đến tình trạng loạn thi nhan sắc… Sắp tới, những nút thắt này liệu có thể được “ cởi bỏ” không, thưa Bộ trưởng?
° Bên cạnh những kết quả đạt được, thì vẫn còn không ít những tồn tại, hạn chế, bất cập xuất phát từ nguyên nhân khách quan và chủ quan. Điều này đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn phải thẳng thắn nhìn nhận với tinh thần cầu thị, đánh giá và khắc phục thiếu sót để công tác quản lý phù hợp với yêu cầu của thực tiễn cuộc sống.
Hiện nay, Bộ đang rà soát để tham mưu Chính phủ sửa các văn bản quản lý nhà nước về nghệ thuật biểu diễn như Nghị định số 79/2012/NĐ-CP, Nghị định số 15/2016/NĐ-CP và các văn bản khác; chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, chuyên viên.
° Điện ảnh Việt cũng có một năm khá sôi động. Quỹ phát triển điện ảnh từng được kỳ vọng là sẽ chấn hưng “nghệ thuật thứ 7” sau nhiều năm “dậm chân tại chỗ” đã có tín hiệu khả quan nào không thưa Bộ trưởng? 
° Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt cạnh tranh khốc liệt trong cơ chế thị trường, năm 2017, điện ảnh Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu và đã được ghi nhận khi tổ chức rất nhiều các sự kiện điện ảnh Việt Nam ở nước ngoài.
Đặc biệt, LHP Việt Nam lần thứ XX và Giải thưởng Phim ASEAN lần thứ nhất được tổ chức thành công tại thành phố Đà Nẵng từ ngày 24 đến 28-11 là minh chứng sống động, khẳng định chủ trương xã hội hóa điện ảnh đã, đang được thực hiện sâu rộng, đạt hiệu quả cao và chất lượng tác phẩm...
Về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, đề án này được tiến hành từ năm 2010, song việc xác định nguồn thu ổn định để Quỹ tồn tại và phát huy được hiệu quả đang gặp nhiều khó khăn về quy định pháp lý.
Năm 2018, Bộ VH-TT-DL sẽ tiếp tục xây dựng đề án “Luật Điện ảnh (sửa đổi)” để điều chỉnh, sửa đổi một số điều không còn phù hợp với thực tế, tạo hành lang pháp lý cơ bản.
Đồng thời tổ chức các sự kiện nhằm khẳng định giá trị cũng như tầm ảnh hưởng đối với ngành công nghiệp điện ảnh trong nước và quốc tế; tạo cơ hội và khuyến khích các đạo diễn trẻ, các nhà làm phim tư nhân; kết hợp phát triển điện ảnh với việc quảng bá đất nước, con người và tiềm năng du lịch tại nước ngoài.

Tin cùng chuyên mục