Bộ Y tế đề nghị Bình Dương thống nhất địa điểm xây dựng Trung tâm ICU cho toàn Đông Nam bộ

Ngày 29-7, đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19 ở các tỉnh miền Đông Nam bộ, làm trưởng đoàn đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bình Dương về công tác phòng chống dịch Covid-19.
Bệnh viện dã chiến 1.500 giường vừa được đưa vào sử dụng ở Bình Dương
Bệnh viện dã chiến 1.500 giường vừa được đưa vào sử dụng ở Bình Dương

Theo PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, hiện Bình Dương có khoảng 80% ca F0 không triệu chứng, hoặc có triệu chứng nhẹ, qua khảo sát thực tế, tỉnh hiện đang thực hiện rất tốt công tác chăm sóc, điều trị các trường hợp này ở tầng 1. PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu cho biết, chưa có địa phương nào làm tốt công tác chăm sóc F0 như ở Bình Dương, đoàn sẽ báo cáo lãnh đạo Bộ Y tế, Chính phủ để xem đây là mô hình điển hình cho cả nước thực hiện. Tuy nhiên, tỉnh Bình Dương cần nâng cấp tầng 2, tầng 3 của Bệnh viện dã chiến Becamex, trang bị thêm máy đo huyết áp tự động, trang bị monitor, máy thở không xâm nhập…

Hiện tỉnh Bình Dương có thuận lợi là có tòa nhà 6 tầng, mỗi tầng 12 phòng oxy, khí nén, đủ tiêu chuẩn làm trung tâm cấp cứu (ICU), trước mắt, đề xuất tỉnh trang bị 80 phòng để thành lập đơn vị ICU. Bộ phận Thường trực của Bộ Y tế cũng kiến nghị TPHCM, tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai tiêm vaccine cho đội ngũ tài xế, lái xe vận chuyển hàng hóa. 

Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi cho biết, đơn vị, địa phương nào thực hiện không nghiêm Chỉ thị 16 sẽ đình chỉ chức vụ Bí thư cấp ủy ở đơn vị, địa phương đó. Đồng thời, yêu cầu các lực lượng tiêm vaccine cần rút ngắn lại, thực hiện trong vòng 7 ngày thay vì 15 ngày và phải phối hợp với các địa phương. Hiện tỉnh đã thành lập Trung tâm điều phối nhân lực do Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy trực tiếp chỉ đạo, điều hành; tỉnh cũng sẽ tính toán và nghiên cứu thành lập Trung tâm thở oxy cộng đồng. 

Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương cũng yêu cầu Sở Y tế tỉnh phải đẩy mạnh công tác huy động các lực lượng y, bác sĩ ngoài công lập, đội ngũ y, bác sĩ về hưu tham gia công tác điều trị để đạt được mục tiêu dịch không lây lan, giảm ca F0 và phải giảm được tỷ lệ tử vong, giảm số lượng bệnh nhân có diễn biến nặng.

Theo GS-TS Trần Văn Thuấn, Bình Dương cần phân tầng đúng, chuyển đúng các trường hợp để giảm tải ca chuyển nặng và giảm tải tuyến trên. Tỉnh đã làm tốt việc chăm sóc những ca F0 nhẹ, không triệu chứng ở tầng 1 nhưng cần nhanh chóng hoàn thiện trang thiết bị, máy móc xét nghiệm, đặc biệt tiếp tục hoàn thiện đơn vị ICU hiện có với 200 giường, đồng thời đề nghị tỉnh cùng với Bộ Y tế thống nhất chọn địa điểm phù hợp để xây dựng Trung tâm ICU cho tỉnh và cho toàn khu vực Đông Nam bộ.

Tin cùng chuyên mục