Bolivia chìm vào bất ổn

Ngày 11-11, cảnh sát và quân đội Bolivia đã phát lệnh bắt Tổng thống Evo Morales, vài giờ sau khi ông tuyên bố từ chức. Ông E.Morales lên án lệnh bắt giữ là hoàn toàn bất hợp pháp và khẳng định đây là một cuộc đảo chính. Dư luận các nước trong khu vực kêu gọi nhanh chóng khôi phục hòa bình và hòa hợp.
Người dân Bolivia lập các chốt trật tự trên đường phố thủ đô La Paz. Ảnh: Reuters
Người dân Bolivia lập các chốt trật tự trên đường phố thủ đô La Paz. Ảnh: Reuters

Cơ quan ngoại giao các nước bị tấn công

Lực lượng vũ trang và cảnh sát Bolivia đã gây sức ép và yêu cầu ông E.Morales từ chức để giữ hòa bình cho đất nước, giữa lúc làn sóng biểu tình bạo loạn của phe đối lập phản đối kết quả cuộc tổng tuyển cử hôm 20-10 đang ngày càng nghiêm trọng. Tư lệnh quân đội Bolivia Williams Kaliman đã đưa ra kiến nghị trên trong một thông điệp tại tổng hành dinh của lực lượng quân đội ở phía Nam thủ đô La Paz, trong đó nhấn mạnh: “Trước sự leo thang xung đột, vì tính mạng và an toàn của người dân cũng như bảo đảm thượng tôn hiến pháp, quân đội đề nghị Tổng thống xem xét từ chức để bảo đảm sự ổn định và vì tương lai của đất nước”. Quân đội cũng đã kêu gọi nhân dân và các thành phần tham gia biểu tình chấm dứt bạo lực, không gây đổ máu.

Chỉ ít giờ sau khi Tổng thống Bolivia E.Morales từ chức, đại diện đại sứ quán các nước Venezuela, Cuba và Mexico ngày 10-11 đã thông báo về một loạt vụ tấn công nhằm vào trụ sở của những cơ quan ngoại giao này tại thủ đô La Paz. Đại sứ Venezuela Crisbeylee Gonzalez cho biết một nhóm người bịt mặt đã tấn công đại sứ quán bằng thuốc nổ và chiếm trụ sở cơ quan ngoại giao này. Bà C.Gonzalez cho rằng đây là vụ tấn công do những đối tượng thuộc phe đối lập tiến hành. Đại sứ Venezuela cho biết thêm, các nhân viên ngoại giao nước này vẫn an toàn và hành động bạo lực này cần bị lên án. 

Chủ tịch Quốc hội lập hiến Venezuela Diosdado Cabello đã xác nhận thông tin trên. Trong khi đó, Đại sứ quán Cuba tại Bolivia cho biết một số biểu ngữ có nội dung bạo lực và đe dọa đã được đặt trước hàng rào trụ sở cơ quan ngoại giao này. 

Dư luận lo ngại

Trên trang mạng cá nhân, cựu Tổng thống E.Morales lên án lệnh bắt giữ nói trên là hoàn toàn bất hợp pháp. Nhà lãnh đạo cánh tả Bolivia tố cáo ông là nạn nhân của một cuộc đảo chính và ông buộc phải từ chức để tránh một cuộc đổ máu không cần thiết và vì sự bình yên của đất nước. Ông E.Morales khẳng định chính phủ của mình đã để lại cho đất nước với nhiều tiến bộ xã hội, tăng trưởng kinh tế ổn định, một đất nước Bolivia tự do và có tương lai tươi sáng. Tổng thống E.Morales cũng kêu gọi phe đối lập không nên phá hoại những thành quả mà đất nước đang có được về công bằng xã hội, tăng trưởng kinh tế và giảm thiểu đói nghèo, đồng thời bày tỏ hy vọng mô hình tự do mới không quay lại thống trị tại Bolivia.

Trước những diễn biến mới nhất tại Bolivia, ngày 11-11, Cuba đã chỉ trích mạnh mẽ việc ông E.Morales phải tuyên bố từ chức. Trong khi đó, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro lên án hành động ép Tổng thống dân cử E.Morales từ chức. Cùng ngày, Chính phủ Nicaragua đã kịch liệt lên án cuộc đảo chính tại Bolivia.

Chính phủ Peru đã ra tuyên bố kêu gọi nhanh chóng khôi phục hòa bình và hòa hợp ở Bolivia. Chính phủ Colombia đã kêu gọi triệu tập một cuộc họp khẩn của Hội đồng Thường trực Tổ chức Các quốc gia châu Mỹ (OAS) nhằm hỗ trợ tìm kiếm giải pháp về tình hình Bolivia. Thông cáo của Bộ Ngoại giao Colombia nhấn mạnh chính phủ của Tổng thống Ivan Duque quan tâm tới các sự kiện gần đây xảy ra tại Bolivia, sau khi OAS có báo cáo sơ bộ về cuộc kiểm tra kết quả bầu cử hôm 20-10 và sau đó là sự kiện Tổng thống E.Morales tuyên bố từ chức. Colombia mời đại diện các tổ chức nhà nước thuộc nhiều đảng chính trị, xã hội khác cùng hợp tác nhằm giúp La Paz đảm bảo quá trình chuyển giao chính phủ một cách hòa bình, tuân thủ nghiêm các quy định của hiến pháp, hệ thống pháp luật của Bolivia với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. Bộ Ngoại giao Chile cũng ra tuyên bố khẳng định ủng hộ một giải pháp hòa bình và dân chủ trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật đối với cuộc khủng hoảng tại Bolivia, đồng thời bày tỏ lo ngại về cuộc khủng hoảng đang bao trùm lên xã hội nước này.

Quan chức cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini kêu gọi các bên giữ thái độ “kiềm chế và trách nhiệm”, tiến tới tổ chức một cuộc bầu cử mới. 

Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh Moscow rất quan ngại khi tình hình tại Bolivia xảy ra theo chiều hướng “một cuộc đảo chính nhà nước được đạo diễn” bất chấp việc chính phủ đã nỗ lực tìm kiếm các giải pháp mang tính xây dựng trên cơ sở đối thoại. Bộ Ngoại giao Nga kêu gọi các lực lượng chính trị tại đây thể hiện trách nhiệm và tìm kiếm một lối thoát hợp hiến, vì hòa bình, an ninh, khôi phục lại quyền kiểm soát của các thể chế nhà nước, đảm bảo quyền của mọi công dân và phát triển kinh tế - xã hội cho đất nước. 

Chính trường Bolivia đang rơi vào tình trạng bất định toàn diện khi tất cả các nhân vật theo thứ tự đảm nhiệm cương vị tổng thống theo quy định của hiến pháp đều đã từ chức cùng hoặc trước ông E.Morales.

Tối 11-11, cựu Tổng thống Bolivia E.Morales đã gửi thông điệp đầu tiên qua mạng xã hội Twitter sau khi tuyên bố từ chức, trong đó cảm ơn tình đoàn kết của nhân dân Bolivia và bạn bè quốc tế sau cuộc đảo chính buộc ông đi tới quyết định từ bỏ quyền lực. Hiện tại các nguồn tin truyền thông cho biết vẫn chưa xác định ông Morales đang ở đâu và dấy lên nhiều đồn đoán việc ông sẽ ra nước ngoài. Chính phủ Mexico tuyên bố sẵn sàng cho nhà lãnh đạo cánh tả này tị nạn chính trị, nhưng bản thân cựu Tổng thống Morales khẳng định sẽ tiếp tục ở lại trong nước.

Tin cùng chuyên mục