Bỗng dưng bị đòi nợ

Thời gian gần đây, một số bạn đọc gọi đến đường dây nóng Báo SGGP bức xúc phản ánh việc bỗng dưng bị một số công ty cho thuê tài chính liên tục gọi điện thoại và nhắn tin đòi nợ. Chặn số điện thoại này thì lại có số điện thoại khác gọi, nhắn tin, tiếp tục đòi nợ với nội dung đe dọa căng thẳng hơn.

Dùng điện thoại thông minh có 2 sim, nhưng suốt một thời gian dài ông T.H.N. (56 tuổi, ở quận 3, TPHCM) chỉ xài 1 sim. Cách nay vài tháng, ông N. trang bị thêm sim 4G. Và rồi rắc rối đã nảy sinh.

Ông N. cho biết: “Tôi có một số liên lạc cần phải trao đổi qua email, nên đã sắm thêm một sim 4G nữa chỉ để lướt web và trao đổi email. Kể từ đó, bỗng dưng tôi thành… kẻ mắc nợ. Cứ vài ngày, tôi lại nhận được tin nhắn thông báo mình phải thanh toán một khoản nợ gần 2 triệu đồng. Dù không khá giả gì, nhưng hồi nào đến giờ tôi chưa bao giờ mua hàng trả góp hay mượn nợ ai, kể cả ngân hàng”.

Ông N. cho chúng tôi xem tin nhắn từ số máy +84921038318, nội dung thông báo rõ ràng là bộ phận pháp lý của FE Credit đang xử lý hồ sơ khởi kiện bà Hong Thi Hai Van và yêu cầu phải thanh toán ngay khoản nợ cũng như cung cấp thêm chứng cứ, hồ sơ… Theo hợp đồng thuê bao sim với nhà mạng MobiFone, tên người bị khởi kiện chả liên quan gì đến ông N.

Bà Nguyễn Tú Anh (47 tuổi, ở xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) cũng bị khủng hoảng vì hàng loạt cuộc gọi đến vào giờ nghỉ. Bà Tú Anh cho biết: “Mỗi khi chuông điện thoại reo vang vào giờ nghỉ trưa hay đêm khuya, cả nhà tôi sợ thót tim vì biết là cuộc gọi đe dọa đòi nợ. Người gọi nói giọng nữ,  dằn từng tiếng và báo tôi phải thanh toán khoản tiền vay đã quá hạn. Họ còn cảnh báo sẽ chuyển cơ quan điều tra để ra quyết định khởi tố. Thường các cuộc gọi phát từ máy ghi âm. Chưa kể, cứ vài ngày, trong giờ hành chính lại có một vài cuộc gọi hỏi chủ thuê bao có phải tên đó không. Cái tên họ nêu không phải là tôi, nhưng lâu lâu họ lại gọi hỏi!”. Bà Tú Anh đã chặn cuộc gọi, nhưng chặn số này thì vài hôm lại có số khác gọi đến.

Có một thực tế là các chủ thuê bao bỗng dưng bị đòi nợ đã phải rất phiền phức, tốn thời gian để trình báo với các nhà mạng. Ông N. cho biết: “Sau khi nghe chúng tôi trình bày vụ việc, ông Hồ Sỹ Tú, nhân viên chăm sóc khách hàng của nhà mạng MobiFone đã thực hiện một vài thao tác trên máy tính để xác minh tôi có phải là chủ thuê bao hay không. Sau đó, ông Tú đưa cho tôi một tờ đơn khiếu nại, yêu cầu ghi tất cả các số điện thoại đã gọi và nhắn tin đòi nợ. Sau khi trao đổi với các nhân viên khác, ông Tú cho biết sẽ chuyển thông tin này đến bộ phận xác minh các số điện thoại nhắn tin và gọi đến, sau đó sẽ liên hệ với các cơ quan chức năng để có hướng xử lý tiếp theo, như cắt thuê bao hay ngăn chặn chiều gọi đi. Nhà mạng sẽ thông tin hướng xử lý cho chủ thuê bao. Vậy mà đến nay sau gần 1 tháng vẫn chưa có kết quả”.

Việc truy tìm và ngăn chặn cuộc gọi cố ý gây phiền hà người khác là việc khá dễ dàng đối với các nhà mạng, vậy mà khi gặp tình huống bị gọi đe dọa để đòi “nợ từ trên trời rơi xuống”, người dùng điện thoại lại không được nhà mạng nhiệt tình hỗ trợ.

Việc trang bị sim 4G để đàm thoại, lướt web, trao đổi email, sử dụng internet… đang được các nhà mạng quản lý rất chặt, nhất thiết chủ thuê bao phải có đăng ký căn cước công dân và ghi ảnh trong hợp đồng. Thế nhưng qua việc gọi “khủng bố” này cho thấy sim rác vẫn tồn tại và chưa được nhà mạng ngăn chặn hiệu quả.

Tin cùng chuyên mục