(SGGP).– Ngày 30-10, Quốc hội tiến hành thảo luận về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) sau khi nghe báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự luật này.
ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) nhấn mạnh, để bảo đảm mục tiêu chính của việc sửa đổi luật lần này là tính công khai, minh bạch và phòng, chống tham nhũng trong đấu thầu, dự thảo luật cần quy định rõ hơn nữa hoặc đưa vào văn bản hướng dẫn chi tiết về dự án có yêu cầu kỹ thuật cao và kỹ thuật có tính đặc thù được phép đấu thầu hạn chế theo hướng siết chặt hơn nữa các trường hợp được áp dụng hình thức đấu thầu hạn chế, thậm chí xóa bỏ quy định này. “Thực tế nhiều dự án có yêu cầu cao về kỹ thuật vẫn có thể áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi. Ngoài ra, việc áp dụng hình thức này càng bị hẹp lại thì khả năng bảo đảm tính khách quan, tính cạnh tranh và hạn chế tham nhũng càng lớn” - ĐB Hà Sỹ Đồng bình luận.
Đấu thầu thuốc là quy định hoàn toàn mới trong dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) - cũng là nội dung được nhiều ĐBQH quan tâm cho ý kiến. Với kinh nghiệm lãnh đạo một bệnh viện lớn, ĐB Nguyễn Phạm Ý Nhi (Hà Nội) tán thành quy định về đàm phán giá thuốc như trong dự luật. Theo đó, đối với loại thuốc có ít nhà sản xuất, thuốc biệt dược gốc, thuốc hiếm, thuốc trong thời gian còn bản quyền, thuốc đã sử dụng ổn định trong thời gian dài và một số trường hợp đặc thù khác thì việc lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc còn được thực hiện thông qua hình thức đàm phán giá. Tuy nhiên, bà Ý Nhi cho rằng, cần luật định cụ thể các trường hợp được phép đàm phán giá và không nên mở rộng.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Văn Tiên: “Có tới 1.143 loại thuốc và hóa chất đang do Bảo hiểm y tế chi trả, tổng số tiền trong năm 2012 lên tới 22.000 tỷ đồng, mà không ai biết giá thanh toán cao thấp như thế nào. Tôi được biết có độ vênh rất lớn về giá cùng một loại thuốc ở các địa phương khác nhau. Dự luật nên quy định trách nhiệm tham gia xuyên suốt quá trình đấu thầu thuốc của Bảo hiểm xã hội - cơ quan sẽ phải chi trả số tiền thuốc rất lớn hàng năm. Quy định hẳn vào luật việc bảo hiểm xã hội có quyền không chi trả nếu giá thuốc cao hơn quá mức so với mặt bằng chung”. Theo nghị trình, dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) dự kiến được Quốc hội biểu quyết thông qua vào ngày 26-11 tới.
ANH THƯ
- Chính phủ đề nghị kéo dài đường Hồ Chí Minh thêm 16km
Ngày 30-10, thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã trình Quốc hội xem xét điều chỉnh Nghị quyết 38/2004/QH11 về chủ trương đầu tư xây dựng dự án đường Hồ Chí Minh. Theo đó, dự án này sẽ được điều chỉnh về chiều dài, hướng tuyến, quy mô, phân kỳ đầu tư… Cụ thể, tổng chiều dài toàn tuyến đường Hồ Chí Minh sẽ được điều chỉnh tăng thêm 16km (từ 3.167km tăng lên 3.183km. Lý do điều chỉnh là nhằm tránh các thành phố, thị xã, thị trấn để giảm khối lượng giải phóng mặt bằng.
Về vốn đầu tư, tổng nhu cầu vốn đầu tư từ nay đến năm 2020 cho việc thực hiện thông tuyến 2 làn xe là khoảng 103.682 tỷ đồng, nhưng mới chỉ có 40.763 tỷ đồng. Trừ huy động vốn từ BT và BOT, Chính phủ đề nghị bổ sung vốn từ trái phiếu Chính phủ 24.003 tỷ đồng. Ủy ban KH-CN-MT đề nghị Chính phủ cân nhắc kỹ vì nếu tính cả vốn cho thực hiện các dự án đường ngang kết nối với đường Hồ Chí Minh thì yêu cầu về vốn là một thách thức không nhỏ.
HÀM YÊN