Bù lỗ ngân sách bằng thuế môi trường

Nhằm bảo vệ môi trường và tăng nguồn thu cho ngân sách thành phố, chính quyền thủ đô Jakarta của Indonesia quyết tâm thực thi nhiều chính sách thu thuế mới trong một số lĩnh vực liên quan trực tiếp đến môi trường.
Chính quyền thành phố Jakarta thực thi nhiều chính sách thuế mới
Chính quyền thành phố Jakarta thực thi nhiều chính sách thuế mới

Theo đó, chính quyền thành phố Jakarta sẽ sửa đổi 3 quy định liên quan tới các quy định về thu các khoản thuế, phí đậu xe, đỗ xe; thu thuế xây dựng và thu hồi đất; thu thuế chiếu sáng đường phố nhằm mục đích quảng cáo. Các quy định cũ mang tính đặc thù riêng của khu vực hành chính Jakarta được ban hành cách đây 10 năm sẽ được điều chỉnh, sửa đổi theo hướng tăng thêm các khoản thu và quy định chặt chẽ hơn về mặt thời gian. Chẳng hạn như phí đậu xe tại những địa điểm công cộng trong nội đô tỷ lệ thuận với thời gian đậu. Việc sử dụng các biển quảng cáo bằng đèn LED ngoài trời cũng được tính phí theo mức độ ánh sáng mà biển quảng cáo phát ra hay thời gian mà biển quảng cáo này hoạt động hoặc địa điểm đặt các biển quảng cáo.

Ông Pilar Hendrani, phát ngôn viên chính quyền thành phố Jakarta, cho biết, thời gian tới Jakarta sẽ áp dụng thu thuế đối với việc sử dụng nguồn nước ngầm. Cách tính thuế sử dụng nguồn tài nguyên này sẽ được tính lũy tiến nhằm khuyến khích người dân thủ đô tiết kiệm nước.

Việc sửa đổi các quy định trên hoàn toàn phù hợp với chủ trương của chính phủ. Ngày 19-2, phát biểu tại cuộc điều trần của Uỷ ban Tài chính thuộc Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Indonesa Sri Mulyani Indrawati đã đề xuất áp thuế mới đối với nước ngọt, ô tô gây ô nhiễm môi trường và túi ni lông nhằm kiểm soát việc tiêu thụ các sản phẩm tại nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á này. Theo đó, đề xuất áp thuế thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng túi ni lông là 30.000 rupiah/kg hoặc 200 rupiah/túi. Thông qua việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt này, giá mỗi túi ni lông sau khi bị đánh thuế sẽ vào khoảng 450 - 500 rupiah/túi. Mức áp thuế này dù nhỏ song có thể làm giảm một nửa lượng tiêu thụ túi ni lông của Indonesia xuống 53.533 tấn/năm.

Chính phủ Indonesia cũng muốn áp thuế đối với ô tô mới thải ra khí CO2 nhằm kiểm soát lượng khí thải gây ô nhiễm môi trường. Bộ trưởng Indrawati cho biết, tổng doanh thu thuế bổ sung từ các biện pháp trên dự kiến đạt 23.560 tỷ rupiah (1,72 tỷ USD), gồm 1.610 tỷ rupiah từ thuế đối với túi ni lông, 6.250 tỷ rupiah tiền thuế từ nước ngọt và 15.700 tỷ rupiah từ ô tô gây ô nhiễm.

Indonesia thất thu 15 tỷ USD tiền thuế trong năm 2019 do xuất khẩu giảm và các công ty làm ăn khó khăn. Kinh tế Indonesia trong năm 2019 tăng trưởng với tốc độ thấp nhất trong 3 năm qua. Tới cuối quý 4-2019, nợ nước ngoài của Indonesia ở mức 404,3 tỷ USD, bao gồm 202,9 tỷ USD nợ công (nợ của chính phủ và ngân hàng trung ương) và 201,4 tỷ USD nợ tư, trong đó có nợ của các doanh nghiệp nhà nước.

Theo Ngân hàng Trung ương Indonesia (BI), số nợ nước ngoài nói trên tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước và tăng 10,4% so với quý trước. Mặc dù tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn, nhưng với các chính sách quyết liệt để bảo vệ môi trường cũng như vực dậy nền kinh tế, tỷ lệ ủng hộ đối với Tổng thống Indonesia Joko Widodo ở mức cao sau 100 ngày nhậm chức nhiệm kỳ thứ 2. Theo kết quả khảo sát mới nhất của tổ chức thăm dò dư luận Indo Barometer, 70,1% số người được hỏi hài lòng về hiệu quả công việc của Tổng thống Widodo, so với mức 57,5% vào năm 2015 và 66,4% vào năm 2017.

Tin cùng chuyên mục