Bức tranh xuất khẩu đã sáng hơn

Chật vật tìm kiếm đơn hàng và vượt rào cản “xanh” là những gì mà doanh nghiệp xuất khẩu đã phải trải qua trong suốt nhiều tháng qua. Nỗ lực này đã mang lại thành quả khi đầu tháng 7, bức tranh xuất khẩu bật sáng ở nhiều ngành.
Đóng gói thanh long xuất khẩu tại Công ty Tnhh Mtv Xuất nhập khẩu Hoàng Huy, TPHCM
Đóng gói thanh long xuất khẩu tại Công ty Tnhh Mtv Xuất nhập khẩu Hoàng Huy, TPHCM

Nhiều mặt hàng tăng trưởng mạnh

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết, kim ngạch xuất khẩu rau quả trong 7 tháng đầu năm 2023 đạt tới 3,23 tỷ USD, tăng 68% so với cùng kỳ năm 2022. Nhóm hàng xuất khẩu ghi nhận có mức tăng trưởng ấn tượng nhất tập trung vào trái cây, gạo, hạt điều và nhiều mặt hàng thiết yếu. Đơn cử, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng ghi nhận đến thời điểm hiện tại đã đạt khoảng 850 triệu USD, gấp đôi năm 2022. Con số này dự kiến sẽ đạt 1,2-1,5 tỷ USD vào cuối năm nay. Với nhóm hàng lúa gạo, kim ngạch xuất khẩu đạt 2,58 tỷ USD, tăng 29,6% so với cùng kỳ.

Ở khía cạnh khác, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), so sánh, nếu trong 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt hơn 4 tỷ USD, giảm 27,4% so với cùng kỳ; thì từ đầu tháng 7 đến nay, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này đã ghi nhận thêm gần 1 tỷ USD, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu từ đầu năm đến nay lên hơn 5 tỷ USD, rút ngắn mức giảm còn 25% so với cùng kỳ. Tương tự, với ngành gỗ, 6 tháng đầu năm, xuất khẩu đạt 6 tỷ USD, giảm tới 25% so với cùng kỳ. Tuy nhiên đến hết tháng 7, kim ngạch xuất khẩu đã đạt 1,1 tỷ USD. Điều này cho thấy tín hiệu xuất khẩu sản phẩm gỗ dần phục hồi.

Theo Bộ Công thương, đơn đặt hàng xuất khẩu các nhóm hàng hóa khác như chăn nuôi, cà phê, hạt điều, thực phẩm… cũng bật tăng trở lại, dao động từ 6-13%. Nhiều doanh nghiệp cho biết đã đạt doanh số cao và tăng trưởng từ 10-30%, thậm chí đến 70% từ đầu tháng 7 đến nay. Bà Lê Hải Liễu, Chủ tịch HĐQT Công ty gỗ Đức Thành, nhận định, thị trường đã “bắt đáy” và theo quy luật khi chạm đáy rồi sẽ từ từ đi lên. Công ty đã nhận được một số đơn hàng cho vụ mới, đã có khách hàng đề nghị báo giá, mẫu đã có. “Chúng tôi đang tiếp xúc với một số khách, nói chung đơn hàng cho năm 2024 khá khả thi. Có thể đến năm 2024 xuất khẩu gỗ phục hồi trở lại”, bà Lê Hải Liễu tự tin cho biết.

Đồng quan điểm về vấn đề này, ông Huỳnh Quang Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Hiệp Long, nhận định, trong quý 3-2023, tình hình sẽ bình thường trở lại. Những doanh nghiệp nào có thị trường rộng và nhất là đi vào thị trường ngách sẽ tồn tại vững chắc hơn.

Bệ đỡ từ chính sách

Tại cuộc họp giao ban với các tham tán thương mại Việt Nam ở nước ngoài mới đây, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 52,4 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 58,6 tỷ USD. Ngoài ra, nhu cầu tiêu dùng nông sản Việt Nam tại thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Hà Lan, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) đang tăng cao nên lượng đơn hàng kỳ vọng sẽ có bước đột phá hơn vào những tháng cuối năm.

Tuy nhiên, để giữ đà tăng trưởng tích cực cho hoạt động xuất khẩu cuối năm, đại diện tham tán thương mại Việt Nam tại Bắc Kinh, lưu ý, Bộ NN-PTNT, các địa phương và doanh nghiệp cần giám sát chặt chẽ tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, công tác quản lý vùng trồng, cơ sở đóng gói, nhất là kiểm soát vi sinh vật gây hại trên sản phẩm. Những yếu tố đảm bảo chất lượng, giá bán và sản lượng cung ứng sản phẩm, cải tiến thiết kế, mẫu mã cho phù hợp thị hiếu người tiêu dùng cũng cần được thực hiện thường xuyên. Ở chiều ngược lại, nhiều doanh nghiệp đề nghị, cơ quan chức năng sớm hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng các chuỗi cung ứng lạnh như hệ thống kho, logistics để bảo quản và vận chuyển các mặt hàng nông sản xuất khẩu; hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh, quảng bá sản phẩm, kiểm soát chặt chẽ chất lượng và các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc.

Nhiều doanh nghiệp dệt may đã bắt đầu có lại đơn hàng xuất khẩu

Nhiều doanh nghiệp dệt may đã bắt đầu có lại đơn hàng xuất khẩu

Bộ Công thương cho biết thêm, đang tăng cường xúc tiến thương mại, chủ động chuẩn bị thị trường tiêu thụ cho nông sản có tính mùa vụ, tránh tình trạng “được mùa mất giá”. Hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài đang đẩy mạnh thu thập, cung cấp thông tin, hướng dẫn, hỗ trợ với các địa phương, hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp trong hoạt động xúc tiến thương mại để mở rộng, phát triển, đa dạng hóa thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là đối với các loại nông sản có tính mùa vụ như vải, nhãn, sầu riêng, thanh long…

Bên cạnh đó, nhằm tận dụng lợi thế các hiệp định thương mại tự do (FTA) đem lại, Bộ Công thương đã kiến nghị xem xét dành nguồn vốn riêng để hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các FTA.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước cùng các bộ ngành làm việc với các ngân hàng thương mại để có nguồn tín dụng phù hợp, lãi suất ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp muốn nâng cao năng lực sản xuất. Song song đó, bản thân doanh nghiệp cũng cần tăng tốc tiếp cận các nguồn vốn tín dụng xanh, nhằm kịp thời đáp ứng tiêu chuẩn ngày càng cao từ các thị trường xuất khẩu.

“Bộ Công thương cùng các địa phương thí điểm xây dựng hệ sinh thái, trước tiên ở 1-2 lĩnh vực, ngành hàng tại mỗi tỉnh, để tận dụng cơ hội từ các FTA. Chúng tôi cũng kiến nghị Chính phủ có chính sách tổng thể, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận, sử dụng nguồn nguyên liệu nội khối, đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo quy định của từng hiệp định thương mại”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định.

Tin cùng chuyên mục