
Theo thông tin báo đài, từ đầu tháng 3-2008, tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước (huyện Bình Chánh), Công ty TNHH xử lý chất thải Hòa Bình đã hoàn tất xây dựng và đưa vào vận hành nhà máy xử lý bùn hầm cầu, có công suất tiếp nhận xử lý 500m³/ngày. Được biết, đây là địa điểm duy nhất của TP có chức năng tiếp nhận, xử lý bùn hầm cầu.
Theo quy định của UBND TPHCM, bùn hầm cầu sau khi thu gom phải vận chuyển về điểm xử lý tập trung nói trên, bởi đây là chất thải chứa nhiều chất hữu cơ và vi sinh vật gây bệnh.

Công nhân Công ty Thoát nước đô thị TP lấy bùn rác từ cống thoát nước. Ảnh: H.K
Với dân số hơn 8 triệu người, ước tính mỗi ngày tại TP thải ra khoảng 250m³ bùn hầm cầu. Công tác thu gom, vận chuyển bùn hầm cầu tập trung chủ yếu do tư nhân thực hiện, với khoảng hơn 120 xe hút hầm cầu có tải trọng 3-5m³. Điều đáng báo động là chưa đầy 30% số xe trên vận chuyển chất thải đến nhà máy xử lý (khoảng 100-120m³/ngày), số còn lại “chẳng rõ” đi đâu và thải vào đâu (?!).
Dù rằng Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) đã siết chặt quản lý bằng cách bắt buộc các xe hút hầm cầu phải đăng ký hoạt động tại sở nhưng thực tế số xe chở chất thải đến đúng địa chỉ ngày càng ít đi, cụ thể như Công ty TNHH Hòa Bình cho biết, có ngày chỉ khoảng 20 xe.
Được biết, Sở TN-MT đang đề xuất TP cho áp dụng một số biện pháp quản lý mới, trong đó có việc toàn bộ các xe hút hầm cầu sẽ được lắp đặt hệ thống định vị toàn cầu GPS để có thể giám sát quá trình vận chuyển, xe được niêm chì và phải vận chuyển về địa điểm xử lý tập trung mới được tháo niêm phong chì.
Thiết nghĩ, những biện pháp này cần sớm được thực hiện để đảm bảo môi trường của TP không tiếp tục bị xâm hại bởi những đối tượng vô ý thức, chỉ nghĩ đến lợi riêng mà lờ đi trách nhiệm với cộng đồng.
VƯƠNG THẢO
(Quận 6 TPHCM)