Bước chuyển động của ngành hàng không vũ trụ Mexico

Các nhà khoa học Mexico đang chuẩn bị những khâu cuối cùng để đưa 5 robot tự hành lên Mặt trăng vào ngày 8-1 tới, qua đó đưa Mexico trở thành quốc gia Mỹ Latinh đầu tiên trong lịch sử có đủ năng lực tự thiết kế và sản xuất các thiết bị thăm dò vũ trụ.

5 robot tự hành có thiết kế hình tròn, với đường kính 12cm, nặng 57g, được chế tạo từ thép không gỉ, hợp kim titan, nhôm chất lượng cao, có sứ mệnh đo đạc và lấy mẫu đất đá trên bề mặt Mặt trăng. Đây là thành quả khoa học do các nhà khoa học và 250 sinh viên Đại học Tự trị quốc gia Mexico (UNAM) thực hiện trong khuôn khổ Colmena - dự án của UNAM, với sự cộng tác của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA).

f8a-3099.jpg
Các nhà khoa học Mexico tham gia dự án đưa robot tự hành lên Mặt trăng

Các robot tự hành của Mexico đã vượt qua hàng chục bài kiểm tra nghiêm ngặt về độ bền cơ học, khả năng chống chịu nhiệt độ khắc nghiệt và môi trường chân không, trước khi được NASA chấp thuận để tham gia Artemis - chương trình quốc tế do tổ chức này chủ trì với sứ mệnh đưa tàu vũ trụ của Mỹ quay lại Mặt trăng sau 50 năm. Dự kiến, các robot này sẽ được tàu vũ trụ Peregrine của NASA đưa lên Mặt trăng từ sân bay vũ trụ Canaveral, bang Florida, Mỹ vào lúc 2 giờ sáng ngày 8-1, theo giờ địa phương.

Việc đưa 5 robot tự hành lên Mặt trăng đã đánh dấu bước chuyển động lớn trong ngành hàng không vũ trụ của Mexico. Giáo sư Medina Tanco cho biết, Mexico đã cho thấy có thể tạo nên sự khác biệt trong công nghệ và hợp tác quốc tế, từ đó hình thành những liên kết quan trọng để nghiên cứu khoáng sản hoặc thực hiện các khám phá khoa học khác trên vũ trụ. Lĩnh vực sản xuất hàng không vũ trụ ở Mexico đang đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng chung của nền kinh tế nước này. Theo Liên đoàn Công nghiệp hàng không vũ trụ Mexico (FEMIA), ngành công nghiệp hàng không vũ trụ ở Mexico có quy mô thị trường ước tính đạt 11,20 tỷ USD vào năm 2024 và dự kiến ​​sẽ đạt 22,70 tỷ USD vào năm 2029, với mức tăng trưởng hàng năm là 15%.

Mexico hiện là nhà cung cấp hàng không vũ trụ lớn thứ 14 trên toàn cầu và chính phủ nước này đang tập trung vào việc cải thiện thứ hạng để lọt vào tốp 10 vào cuối giai đoạn dự báo (2024-2029). Theo FEMIA, với chính sách đầu tư mở, chi phí sản xuất thấp và hệ sinh thái hàng không vũ trụ phát triển lành mạnh, ngành công nghiệp hàng không vũ trụ Mexico đã trở thành điểm đến hấp dẫn cho giới đầu tư nước ngoài. Các nhà cung cấp máy bay lớn như General Electric, Airbus, Safran, Bombardier và Latécoère Group đã góp phần đáng kể vào sự tăng trưởng xuất khẩu từ nước này trong những năm qua.

Mỗi năm, khoảng 80% sản lượng của ngành hàng không vũ trụ ở Mexico được xuất khẩu sang Mỹ, còn lại là sang các nước như Canada, Pháp, Đức và các nước khác. Khả năng sản xuất hàng không vũ trụ ở Mexico bao gồm từ động cơ và các bộ phận động cơ đến thân máy bay, cửa hàng hóa, cụm thiết bị hạ cánh, hệ thống điện tử hàng không và một số thành phần khác hiện có mặt trong một số mẫu máy bay trên thế giới. Một số sáng kiến mới đang được chính phủ ủng hộ như tích hợp các nhà cung cấp địa phương vào ngành hàng không vũ trụ Mexico, hỗ trợ các các công ty quy mô nhỏ tham gia vào hoạt động thiết kế. Sản xuất cũng được kỳ vọng sẽ cải thiện sự đóng góp của ngành hàng không vũ trụ đối với nền kinh tế Mexico trong thời gian tới.

Tin cùng chuyên mục