Bước đi được trông chờ

Hội nghị thượng đỉnh các nước châu Mỹ (OAS) với sự tham dự của 34 nhà lãnh đạo các nước Tây bán cầu sẽ họp tại Trinidad và Tobago từ 17 đến 19-4 để thảo luận những vấn đề về thương mại, môi trường và suy thoái toàn cầu.

Tuy nhiên chủ đề nóng nhất hiện nay là đòi phục hồi tư cách thành viên OAS cho Cuba (bị đình chỉ từ năm 1992 do áp lực từ Mỹ, là nước duy nhất tại khu vực không là thành viên OAS) và dỡ bỏ cấm vận kéo dài đối với nước này. Venezuela, Brazil, Nicaragua tuyên bố sẽ đưa vấn đề này ra hội nghị.

Hầu hết các nước Mỹ Latin, cả những nước không là đồng minh thân thiết của Cuba cũng đòi dỡ bỏ cấm vận Cuba. Chính sách bao vây cấm vận của Mỹ chống Cuba ngày càng bị nhiều nước trong và ngoài châu Mỹ phản đối.

Quan hệ giữa Mỹ - Cuba đã trở thành chủ đề bàn thảo ngay sau khi ông B.Obama vào Nhà Trắng. Vừa qua, Mỹ bãi bỏ hạn chế về gởi kiều hối cũng như số lần kiều dân Cuba về thăm quê hương; bãi bỏ việc cấm các công ty viễn thông Mỹ làm ăn tại Cuba.

Các nước Mỹ Latin đánh giá đây là “bước tiến nhỏ đúng hướng” và kêu gọi Washington cần làm nhiều hơn nữa, xóa bỏ hoàn toàn bao vây cấm vận bất công đối với Cuba kéo dài đã nửa thế kỷ. Ngần ấy năm bao vây cấm vận đã gây tác động tiêu cực, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân nước này nhưng Mỹ không những không đạt được ý đồ mong muốn mà còn gây nên làn sóng phản đối chính sách đối ngoại cực đoan của Mỹ. Dư luận giờ đây cho rằng chuyển hướng trong quan hệ với Cuba trở thành một yêu cầu đối với Mỹ bởi không nước nào có lợi từ việc này.

Hủy bỏ cấm vận sẽ có lợi cho kinh tế Mỹ vì các công ty Mỹ được tiếp cận đầy đủ thị trường Cuba. Theo những tính toán khác nhau, nhu cầu hàng năm của Cuba về lương thực và hàng hóa khác lên đến 2,5 tỷ USD. Về phần mình, Cuba sẽ có cơ hội thiết lập quan hệ trực tiếp với các công ty Mỹ, không phải nhập khẩu hàng từ các nước xa xôi giá cao. Các công ty Mỹ có điều kiện hợp tác khai thác nguồn dầu khí Cuba mà theo tính toán có khoảng 20 tỷ thùng và chỉ cách bờ biển Mỹ 160km.

Hiện nay các công ty của Nga, Trung Quốc, thậm chí Angola đang hợp tác với phía Cuba, trong khi các công ty Mỹ phải đứng ngoài cuộc. Ngành du lịch hai nước cũng có lợi. Du lịch đến đảo quốc Cuba tươi đẹp sẽ tăng lên. Theo các chuyên gia, dòng khách du lịch đến Cuba hiện nay qua ngả Mexico và Canada từ 1 triệu người sẽ tăng lên 5 triệu người/năm. Điều này không chỉ có lợi cho Cuba, bởi những nhà tổ chức tour Mỹ sẽ có được một thị trường hoàn toàn mới...

Cách nhìn nhận như trên không có gì xa lạ. Các nghị sĩ Mỹ trong chuyến thăm được xem là lịch sử tới Cuba, kết thúc hôm 7-4, cũng cho rằng bình thường hóa quan hệ và thôi cấm vận sẽ có lợi cho cả hai quốc gia. Đoàn các nghị sĩ Mỹ thừa nhận họ muốn thiết lập những cây cầu nối liền quan hệ Washington và Havana.

Trưởng đoàn, nghị sĩ Barbara Lee, nói khi trở về đoàn sẽ đưa ra một kết luận duy nhất, rõ ràng: thời điểm đàm phán với Cuba đã đến và không còn thời gian để bỏ lỡ. Phía Cuba cũng nói rõ họ sẵn sàng đối thoại với Mỹ về mọi vấn đề trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau. Thật không dễ xích lại gần nhau sau hàng thập kỷ cấm vận gây khó khăn trong quan hệ hai nước Mỹ – Cuba, tuy nhiên từ nhịp cầu đầu tiên, dư luận trông chờ Mỹ bước đi kế tiếp mạnh mẽ, đưa nhân dân hai nước Mỹ – Cuba lại gần nhau hơn. 

LỆ THƯ

Tin cùng chuyên mục