Cả Uber và bên cung ứng dịch vụ vận tải đều phải đăng ký kinh doanh

- Phóng viên:

Ngày 3-12, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã có cuộc trao đổi nhanh với báo chí giải đáp những thắc mắc xung quanh hoạt động của taxi Uber, nhất là sau khi Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng chỉ đạo các cơ quan liên quan tìm cách hợp pháp hóa hoạt động của loại dịch vụ này.

- Phóng viên: Bộ trưởng Đinh La Thăng nhận định hoạt động taxi Uber là một dịch vụ tốt cho người dân, cần hợp pháp hóa dịch vụ này, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

>> Ông Khuất Việt Hùng: Ban đầu Bộ GTVT nhận được văn bản kiến nghị của Hiệp hội Taxi TPHCM cho rằng đây là dịch vụ taxi trái phép. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu, Bộ GTVT thấy rằng đây không phải là dịch vụ taxi mà là dịch vụ hỗ trợ vận tải. Vì vậy, Bộ GTVT mới đề nghị các cơ quan liên quan rà soát, nghiên cứu tính hợp pháp, hợp lệ của hình thức này. Do Uber chưa có đăng ký kinh doanh tại Việt Nam nên hoạt động này chưa được coi là hợp pháp. Ở mỗi quốc gia, Uber đều phải tuân thủ quy định luật pháp của nước sở tại. Nội dung điều kiện hoạt động của Uber tại Mỹ rất đầy đủ, chặt chẽ, phù hợp với luật pháp Mỹ nhưng hiện tại, trên trang web của Uber, chúng tôi chưa nhìn thấy những điều kiện hoạt động ấy phù hợp với luật pháp Việt Nam. Hiện phần tiếng Việt về nội dung điều khoản hoạt động của dịch vụ này vẫn ghi là tuân thủ các quy định của luật pháp Hà Lan, những tranh chấp được giải quyết tại tòa án Hà Lan, như vậy là không phù hợp. Tôi cho rằng, nếu được đăng ký kinh doanh theo đúng quy định thì Uber hoàn toàn đủ điều kiện để hoạt động cung ứng dịch vụ hỗ trợ vận tải tại Việt Nam.

- Vậy còn đối với phía doanh nghiệp cung ứng dịch vụ vận tải qua Uber thì sao? Liệu các hãng taxi có thể tham gia cung ứng dịch vụ của mình qua Uber hay không?

Theo quy định hiện hành của Luật Giao thông đường bộ, những đơn vị có giấy phép kinh doanh vận tải thì đủ điều kiện để bán dịch vụ qua Uber (trong trường hợp Uber đã được đăng ký kinh doanh). Ở đây, Uber đóng vai trò là một đại lý, một sàn giao dịch vận tải. Uber không chịu trách nhiệm về dịch vụ vận tải mà chính người cung cấp dịch vụ phải chịu trách nhiệm. Vì vậy, các tổ chức, cá nhân muốn cung ứng dịch vụ qua Uber phải tiến hành đăng ký kinh doanh dịch vụ vận tải. Các doanh nghiệp taxi hoàn toàn có thể cung cấp dịch vụ qua Uber nếu xét thấy có lợi ích.

- Uber có một ứng dụng cho phép người dân kết nối trực tiếp với những lái xe có nhu cầu cho đi nhờ - một hình thức rất được ưa chuộng và hiện có mặt tại hơn 100 thành phố của 36 quốc gia nhưng bị coi là “dịch vụ đen”. Vậy ở Việt Nam, hình thức đi chung xe liệu có thể hợp pháp hóa được hay không?

Trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu trình Chính phủ đề xuất tạo hành lang pháp lý để hình thức đi chung xe chính thức được công nhận, phát triển thuận lợi. Tôi nhấn mạnh là, các tổ chức, cá nhân muốn cung ứng dịch vụ thì nhất thiết phải có giấy phép kinh doanh vận tải. Việc các đơn vị vận tải ứng dụng công nghệ thông tin để tạo thuận lợi cho cả doanh nghiệp và người dân, tiết kiệm thời gian cho việc đặt chỗ, thời gian giao dịch, giảm chi phí thì cần khuyến khích, với trách nhiệm của mình, chúng tôi sẽ kiến nghị với các bộ, ngành có hướng dẫn cần thiết, đầy đủ để dịch vụ Uber được hoạt động đúng quy định, bảo đảm quyền lợi cho các bên.

- Cảm ơn ông!

BÍCH QUYÊN

Tin cùng chuyên mục