
Hiện các cửa ngõ đường bộ TPHCM vào đã được nâng cấp mở rộng. Thế nhưng, cái cảm giác băn khoăn lo lắng vẫn tồn tại trong lòng nhiều người dân TPHCM mỗi khi qua lại những nơi này. Tại 2 cửa ngõ hướng đi miền Tây và miền Trung, đường xuống cấp nghiêm trọng, đất đá ngổn ngang, bụi bặm và nhếch nhác. Không ít người còn buông lời so sánh “đường thành thị gì mà… như đường ở quê!”.
Quá tải...

Cảnh kẹt xe, khói bụi diễn ra thường xuyên ở Xa lộ Hà Nội. Ảnh: HỒ VIỆT
Ngay tại cửa ngõ hướng từ miền Tây vào TPHCM, bắt đầu từ ngã 3 đại lộ Nguyễn Văn Linh dọc theo quốc lộ 1A (huyện Bình Chánh) đến vòng xoay An Lạc, ai đi qua cũng lắc đầu ngán ngẩm. Một đoạn đường chỉ dài chừng 6 - 7 km nhưng phải mất hơn 1 giờ đồng hồ mới vượt qua được. Giờ cao điểm đủ các loại xe nối đuôi nhau hàng cây số. Mặt đường đầy đất cát, bụi bay như sương mù.
Những vũng nước dọc hai bên đường đen kịt lâu ngày bốc mùi hôi nồng nặc. Nhà hai bên đường hầu như đóng cửa cả ngày lẫn đêm.
Ông Nguyễn Văn Tùng, nhà kế bên Công ty May An Phước, ngay dưới chân cầu Bình Điền bức xúc: “Người dân ở khu vực này muốn ra đường phải ngó trước ngó sau dữ lắm. Nhiều khi, vừa ló đầu ra khỏi cửa đã phải thụt vô nhà lại, vì xe tải, xe khách chạy như “ăn cướp”. Cẩn thận thế nhưng từ đầu năm đến giờ cũng đã xảy ra hàng chục vụ tai nạn, có cả vụ chết người”.
Ông cho biết thêm, khoảng 3 năm qua, kể từ lúc triển khai thi công vòng xoay, đường sá hình như không được ai quan tâm. Đường ngày càng hẹp lại, xe chạy lấn sát vào cửa nhà dân. Giao thông mạnh ai nấy chạy, xe máy, xe tải, xe khách chạy lẫn lộn vào nhau không ai nhường ai. Giờ cao điểm xe tải, xe khách bấm còi inh ỏi cả khu vực.
Hầu hết nhà dân dọc hai bên đường này rất ít khi mở cửa vì… sợ xe lao vào nhà. Trên thực tế, chuyện xe tung vào nhà dân hầu như tuần nào cũng có. Anh Bùi Vũ Thành, chạy xe khách tại bến xe miền Tây than: Tôi chạy tuyến Cà Mau gần 15 năm nay nhưng chưa thấy đoạn đường nào “khổ” như đoạn vào thành phố mình mấy năm gần đây. Mang tiếng thành phố lớn mà đường thua dưới quê. Chạy 500, 600 cây số từ Cà Mau về đây chưa “xi-nhê” gì so với đoạn từ ngã ba Nguyễn Văn Linh vào bến, một chút sơ sẩy là xảy ra va quẹt.
Anh so sánh: “Trước đây, từ bến ra khỏi TP chỉ tốn chừng 10 – 15 phút là cùng, nay gần cả tiếng đồng hồ chưa chắc đã xong. Lần nào về cũng thấp thỏm sợ trễ vì kẹt xe”.
Ở cửa ngõ phía Đông Bắc (quốc lộ 52) tập trung hầu hết lưu lượng xe từ miền Bắc, miền Trung, Tây Nguyên và một số tỉnh miền Đông vào TP. Thế nhưng, con đường song hành xa lộ Hà Nội vẫn còn ngổn ngang. Nhiều đoạn đang thi công cống thoát nước, làn đường dành cho xe gắn máy đoạn có đoạn không. Xe đang chạy ngon trớn thình lình phải quẹo ra làn xe tải, rất dễ xảy ra tai nạn. Hai bên đường toàn là những nhà xưởng dựng lên tạm bợ để bán máy xúc, máy ủi, xe lu, ô tô… “second hand” trông rất bề bộn.
Gần vào trung tâm TP, hai bên “mặt tiền” là công trình cầu vượt, đào đường làm cho con đường vốn nhỏ càng thêm hẹp, gây ùn tắc, kẹt xe như cơm bữa.
Nỗi khổ người đi, người ở

Việc so sánh các cửa ngõ vào TPHCM và cửa ngõ vào các trung tâm các tỉnh, thành láng giềng là “chuyện thường ngày” của các bác tài và những người có dịp qua lại những nơi này. Điều đơn giản là vì chúng có sự tương phản rõ rệt quá.
Nếu các tuyến đường cửa ngõ dẫn vào TP Biên Hòa (Đồng Nai) hay thị xã Thủ Dầu Một (Bình Dương) phẳng phiu, sạch đẹp bao nhiêu thì trục xa lộ Hà Nội (XLHN) lại nham nhở bấy nhiêu.
Với hệ thống thoát nước đang triển khai từng đoạn, XLHN trở thành nơi “ngự trị” của rác rưởi, bụi bặm, nước thải tù đọng...
Theo quy hoạch điều chỉnh được duyệt mới đây, tuyến XLHN rộng từ 113,5 – 153,5m, dọc tuyến bao gồm các dự án lắp đặt tuyến ống cấp nước chính, tuyến tàu điện Bến Thành - Suối Tiên, mở rộng đường chính, đường song hành...
Trong khi các dự án được triển khai với tốc độ “rùa bò “, chiều rộng mặt đường 6 làn xe hiện đã trở nên quá tải. Vào khoảng 8 - 10 giờ sáng và 15 - 19 giờ hàng ngày, lượng xe tải, xe container, xe buýt không đủ đường lưu thông phải lấn sang cả làn xe gắn máy, khiến giao thông ùn tắc thường xuyên.
Đến nay, công trình xây dựng nút giao thông Cát Lái của dự án Đại lộ Đông - Tây vẫn còn ì ạch. Trong đó, ảnh hưởng nhất là công trình xây dựng nhánh cầu vượt kết nối khu liên hợp thể dục thể thao Rạch Chiếc với nút giao thông Cát Lái và dự án xây dựng đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây kết nối với dự án Đại lộ Đông - Tây.
Trên những cửa ngõ này, không chỉ những người thường xuyên lưu thông qua lại bị trở ngại mà cả những người dân sống hai bên đường cũng bị “hành hạ”. Hàng ngày, họ hứng chịu một lượng bụi khổng lồ trút vào nhà. Còn những người buôn bán thì ế ẩm vì môi trường quá ô nhiễm.
Theo ông Lê Minh Huệ, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, bên cạnh việc hoàn thành công trình nút giao thông An Lạc, phải xúc tiến mở rộng quốc lộ 1A và tổ chức điều phối giao thông mới giải quyết được ách tắc giao thông tại khu vực này.
Huyện Bình Chánh đã nhiều lần gởi văn bản đề xuất nhưng vẫn chưa được giải quyết, trong khi đó mật độ lưu thông trên tuyến đường này ngày càng tăng rất cao, gây nên tình trạng kẹt xe nghiêm trọng. Rõ ràng, bộ mặt các cửa ngõ đã ngày càng nhếch nhác, hỗn độn hơn vì tình trạng thi công các công trình quá chậm chạp.
Quốc Hùng