Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát:

Các địa phương đều có thể xảy ra dịch cúm H5N1

ảnh
Các địa phương đều có thể xảy ra dịch cúm H5N1

Như Báo SGGP đã thông tin về tình hình dịch cúm gia cầm H5N1 bùng phát tại nhiều địa phương trên toàn quốc, mới đây nhất virus cúm A - H5N1 đã tiếp tục gây chết người. Ngày 18-3, trao đổi với PV Báo SGGP, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Trưởng ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm Cao Đức Phát (ảnh) khẳng định, tất cả các địa phương trên toàn quốc đều có thể xảy ra dịch cúm H5N1.

* Phóng viên:
Đến nay Bộ NN-PTNT đã xác định được nguyên nhân chính dẫn đến dịch bùng phát để có biện pháp chống hiệu quả chưa, thưa Bộ trưởng?

Các địa phương đều có thể xảy ra dịch cúm H5N1 ảnh 1

* Bộ trưởng CAO ĐỨC PHÁT: Tái bùng phát dịch cúm có nhiều nguyên nhân như: vận chuyển gia cầm từ vùng có dịch sang vùng khác làm lây lan, chưa được tiêm phòng, chim di cư, virus tồn tại ở môi trường phát ra khi có điều kiện thuận lợi... Chưa khẳng định chính xác nguyên nhân nào là chính, nhưng theo kết quả kiểm định ban đầu cho thấy hầu hết các ổ dịch đều có nguyên nhân là bùng phát tại chỗ và không được tiêm phòng.

Một nguyên nhân khác khiến dịch bùng phát ra nhiều nơi vào thời điểm này là do chúng ta tiêm phòng đàn gia cầm từ tháng 10-2007 để bảo đảm có gia cầm “sạch” cho dịp Tết Nguyên đán và đến nay số gia cầm đó đã được sử dụng, số còn lại hiệu lực bảo hộ vaccine cũng thấp hơn.

* Đến nay, chúng ta đã xác định được cơ chế hoặc sự liên quan nào đó về việc lây lan virus từ gia cầm sang người?

* Hiện tại thì chưa có cơ chế chính xác, nhưng có thể khẳng định, virus trong môi trường luôn sẵn có. Trên thực tế, những người nhiễm cúm A-H5N1 đều xuất phát từ những nơi có dịch cúm gia cầm tái phát. Mỗi ngày vẫn có nhiều con gia cầm bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh tiếp xúc với người. Nhiều người tiếp xúc với gia cầm có mầm bệnh nhưng có thể không lây, nhưng có người do thể trạng yếu hoặc độ mẫn cảm cao nên nhiễm bệnh và phát bệnh.

* Từ trước đến nay, chúng ta vẫn nói là xử lý chính quyền địa phương nếu chủ quan, giấu dịch để xảy ra dịch bệnh. Hiện nay, đã có cán bộ nào bị xử lý chưa?

* Chúng tôi đã quy định rõ vấn đề này, nếu thôn, bản giấu dịch thì xã xử lý, xã giấu dịch thì huyện xử lý, huyện giấu dịch tỉnh xử lý, tỉnh giấu dịch trung ương xử lý. Theo tôi được biết, đã có nhiều nơi bị xử lý trách nhiệm. Mới đây, tôi cũng đã phê bình lãnh đạo Vườn Quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình) để xảy ra dịch lâu ngày.

* Bộ NN-PTNT đã có kết luận nào về sự lây lan của H5N1 sang các loài động vật khác?

* Theo kết quả xác định mới nhất của các cơ quan thú y thuộc Bộ NN-PTNT, virus H5N1 có thể lây lan sang các loài gia cầm: gà, vịt, ngan, ngỗng, các loài chim. Có nước, H5N1 lây sang cả hổ, báo, mèo, cáo, chuột... heo cũng có thể bị H5N1 tấn công nhưng nhẹ và hầu như không lây lan.

* Ban chỉ đạo có biện pháp gì để người dân tự nguyện tiêu hủy khi có dịch?

* Chúng tôi vừa đề nghị với Bộ Tài chính ban hành quy định hỗ trợ mới khi tiêu hủy và cơ bản đã đi đến thống nhất sẽ hỗ trợ 70% theo giá thị trường khi tiêu hủy. Chúng tôi sẽ trình Thủ tướng phê duyệt vấn đề này.

* Cảm ơn Bộ trưởng. 

THÀNH NAM

Tin cùng chuyên mục