Hiện nhiều nhà máy đường (NMĐ) ở khu vực ĐBSCL và miền Trung - Tây Nguyên đã vào niên vụ ép mía 2010 - 2011. Nhưng với nỗi lo thường trực thiếu mía nguyên liệu nên đang tái diễn “cuộc chiến” tranh giành từng tấn mía cây ở các vùng nguyên liệu mía.
ĐBSCL: Trúng mùa, được giá
Mía nguyên liệu đầu vụ ở ĐBSCL dao động từ 1.000 - 1.200 đồng/kg, giá cao kỷ lục từ trước đến nay. Giá càng cao, thương lái các nơi mua mía càng nhiều. Tại vùng mía chín sớm Phụng Hiệp (Hậu Giang) đang nóng bỏng với cuộc chiến tranh giành nguyên liệu.
Dọc các xã Hiệp Hưng, Hòa Mỹ, Tân Phước Hưng… thuộc huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang), chúng tôi chứng kiến không khí thu hoạch mía đầu vụ diễn ra rất sôi động. Ông Phạm Văn Quốc, thành viên Câu lạc bộ 200 tấn mía ở xã Hiệp Hưng mừng ra mặt khi vừa thu hoạch 14 công mía, bán tại ruộng với giá 1.170 đồng/kg, thu lời khoảng 140 triệu đồng, cao nhất trong hàng chục năm trồng mía. Ông Lê Văn Gàng, xã Hiệp Hưng hồ hởi: “8 công mía vừa bán được giá 1.200 đồng/kg, trừ hết các khoản chi phí, còn bỏ túi gần 80 triệu đồng, số tiền này gia đình tôi dư sống”. Chủ nhiệm Câu lạc bộ 200 tấn mía Trương Văn Hiền cho biết: Mấy ngày nay thương lái các nơi về đây “săn” mía dữ lắm, giá nào họ cũng mua và trả tiền một lần. Ước tính 61 thành viên trong câu lạc bộ đạt năng suất trung bình từ 170 - 200 tấn/ha. Với giá cao hiện nay mỗi ha mía thu lời khoảng 100 triệu đồng sau khi trừ chi phí đầu tư.
Theo báo cáo mới nhất của Phòng NN-PTNT huyện Phụng Hiệp, hơn 8.300 ha mía toàn huyện đến nay đã thu hoạch trên 50% diện tích. Năm nay, nhờ thời tiết thuận lợi, cộng với đầu tư chăm sóc tốt nên năng suất mía rất cao. Đặc biệt, mía đầu vụ được giá nên 100% nông dân thắng lớn. Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang, cho biết đây là lần đầu tiên người dân trồng mía thắng lợi kép “trúng mùa - trúng giá” nên mức lợi nhuận cao. Tình hình này, khả năng vụ tới diện tích mía sẽ tăng mạnh.
Tại Sóc Trăng và Trà Vinh cũng đang thu hoạch mía, giá bán tại đây từ 1.000 - 1.100 đồng/kg. Ông Phạm Hồng Văn, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cù Lao Dung, cho biết: 7.600 ha mía chỉ mới vào vụ nhưng đã có thương lái về mua tấp nập. Nếu so với các vụ trước, năm nay thương lái thu mua với giá cao và rất dễ dãi không phân biệt chữ đường, chất lượng mía… lợi nhuận bình quân từ 50 - 70 triệu đồng/ha.
Tranh giành do lợi nhuận
Ngược lại với niềm vui của nông dân, các NMĐ lại lo âu vì vùng nguyên liệu do chính mình đầu tư đang bị xâm phạm - nhiều hợp đồng bao tiêu đã bị phá vỡ. Theo ông Nguyễn Hoàng Ngoan, Phó Giám đốc NMĐ Phụng Hiệp, mỗi ngày nông dân trong huyện Phụng Hiệp thu hoạch khoảng 10.000 tấn mía cây nhưng có đến 50% sản lượng do các nhà máy ngoài tỉnh đưa thương lái đến mua mà không hề đầu tư, bao tiêu vùng nguyên liệu. Do các nhà máy bên ngoài mua giá cao nên người dân bán rất nhiều, thậm chí mía chưa đủ tuổi thu hoạch, chưa đạt 10 chữ đường cũng mua, khiến tình trạng tranh mua - tranh bán tràn lan, phá hỏng mô hình liên kết có sự đầu tư bài bản mà những NMĐ làm ăn đàng hoàng đã ra sức xây dựng.
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, đến nay tất cả 10 NMĐ ở ĐBSCL đã chính thức vào vụ sản xuất. Do diện tích mía tới tuổi thu hoạch chưa nhiều nên mỗi ngày các nhà máy chỉ chạy khoảng 15.000 tấn mía, thiếu 8.000 tấn so công suất hoạt động. Từ sự thiếu nguyên liệu đã khiến việc tranh chấp mía hết sức phức tạp.
Trước sự việc trên, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã gởi công văn đề nghị Bộ NN-PTNT có biện pháp can thiệp đối với những nhà máy không là thành viên của hiệp hội đã tự ý nâng giá mía khiến vùng nguyên liệu bị đảo lộn. Thế nhưng mọi việc vẫn đâu vào đấy. Các nhà máy bên ngoài cho rằng, ai bán thì họ mua, giá cả thỏa thuận theo thị trường. Ngoài ra, nhà máy cũng không trực tiếp đến mua mà phần lớn do thương lái chở mía đến (!?).
Cũng theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, một trong những nguyên nhân dẫn đến tranh giành mía nguyên liệu gay gắt là do giá đường trên thị trường ở mức cao. Hiện giá đường bán sỉ dao động từ 18.000 - 19.000 đồng/kg, bán lẻ từ 20.000 - 22.000 đồng/kg, với giá này các nhà máy đều đảm bảo lợi nhuận. Trong khi đó giá đường cát trên thế giới duy trì ở mức cao, từ 700 - 750 USD/tấn, đường nhập lậu qua biên giới Tây Nam có giá từ 18.000 - 19.000 đồng/kg. Riêng đường nhập chính ngạch về Việt Nam khoảng 19.000 đồng/kg.
Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho rằng, giá đường nội địa cao không phải do doanh nghiệp tự làm giá mà phụ thuộc vào diễn biến thị trường và giá đường thế giới. Thời gian qua lượng đường trong nước ít bởi vào giai đoạn giáp hạt, tuy nhiên hiện nay các nhà máy ở ĐBSCL và miền Trung - Tây Nguyên đã đồng loạt vào vụ nên giá đường sẽ sớm bình ổn trở lại. Tuy nhiên, theo cân đối cung cầu trong nước và tình hình thế giới, dự báo giá đường trong nước những tháng cuối năm 2010 và sang năm 2011 sẽ đứng ở mức cao. Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, nếu duy trì được giá đường trong nước khoảng 18.000 đồng/kg, người trồng mía và các nhà máy sản xuất đều đảm bảo lợi nhuận.
Trước tình hình nguồn đường trong nước đang khan hiếm và giá cả tăng cao, ông Nguyễn Thành Long, Tổng Giám đốc Công ty CP Mía đường Cần Thơ (Casuco), Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, cho biết: Hiệp hội đã yêu cầu các NMĐ không bán cho các nhà thương mại, doanh nghiệp với số lượng lớn để góp phần kiềm chế và bình ổn giá đường trong nước. Hiện toàn vùng ĐBSCL đang bước vào vụ thu hoạch mía nhưng do lũ không về, mía chín trễ, giá mía tăng cao từng ngày nên nông dân không vội thu hoạch sớm, khiến tất cả các NMĐ đều thiếu mía nguyên liệu phục vụ sản xuất. Ông Long cũng cho biết thêm: Năm 2009, do thiếu đường nên Chính phủ đã cho nhập khẩu 350.000 tấn đường nhưng do tình hình sản lượng đường trên thế giới thiếu, giá rất cao nên các doanh nghiệp chỉ nhập khoảng trên 250.000 tấn, còn thiếu gần 100.000 tấn. Hiện các NMĐ trong khu vực ĐBSCL không dự trữ đường bởi gần 1 tháng nữa các NMĐ trong cả nước sẽ vào vụ đồng loạt. Nước sản xuất đường lớn thứ 2 trên thế giới là Thái Lan cũng vào vụ vào giữa tháng 2 tới nên dự kiến sản lượng đường trên thế giới và Việt Nam lúc đó sẽ dồi dào và giá cả sẽ bình ổn trở lại. Trước mắt, để bình ổn giá đường, các NMĐ không được dự trữ đường mà sản xuất tới đâu bán tới đó, các nhà thương mại cũng không được mua với số lượng lớn ở các nhà máy vì các NMĐ không được bán với số lượng lớn. T.T.X. |
HUỲNH PHƯỚC LỢI
Miền Trung - Tây Nguyên: “Cuộc chiến” mía đường
Nói về “cuộc chiến” mía đường không khoan nhượng trong vài năm gần đây của các NMĐ ở khu vực giáp ranh giữa miền Trung - Tây Nguyên, ông Nguyễn Tấn Cương, Giám đốc NMĐ An Khê cho biết, trong niên vụ sản xuất này, vùng nguyên liệu mía Đông Gia Lai (thủ phủ mía đường khu vực Tây Nguyên - PV) hiện có khoảng 19.000 ha, năng suất mía khoảng 55 tấn/ha, tổng sản lượng toàn vụ hơn 1 triệu tấn mía. Riêng NMĐ An Khê cần đến gần 700.000 tấn mía để sản xuất toàn vụ.
Nhưng vùng nguyên liệu mía vùng Đông Gia Lai không chỉ cung ứng cho NMĐ An Khê mà còn là “chiến trường” sôi động khi các “sứ quân” NMĐ Kon Tum (có nhu cầu 100.000 tấn/vụ), Công ty cổ phần Nhiệt điện - Mía đường Gia Lai (công suất 1.800 tấn/ngày) và NMĐ Bình Định (công suất 3.200 tấn/ngày, thiếu gần 400.000 tấn mía cây/vụ) cùng tranh giành thu mua tại vùng nguyên liệu mía Đông Gia Lai.
Hiện tại, các NMĐ trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên thường cho người, xe lấn sang các vùng nguyên liệu lân cận. Và nhiều khi cảnh sát giao thông, chính quyền các địa phương cũng vào cuộc bất đắc dĩ. NMĐ Kon Tum dù công suất chỉ 1.500 tấn/ngày (lẽ ra phải đầu tư nguyên liệu trên vùng đất mình đứng chân) nhưng do thiếu mía, nên phải xuống tận vùng mía thuộc khu vực Đông Trường Sơn như huyện Đăk Pơ, thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) để mua mía. Đáng nói hơn cả là tình cảnh của NMĐ An Khê. Nhà máy này nằm giữa vùng nguyên liệu mía rộng đến hàng chục ha, nhưng phải chịu cảnh chia năm xẻ bảy vùng mía nguyên liệu với các NMĐ đến từ các tỉnh lân cận nên vẫn thường xuyên thiếu mía.
Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai cho biết, để phần nào hạn chế tình trạng tranh chấp vùng mía, trong niên vụ 2010 - 2011, tỉnh đã mở rộng vùng nguyên liệu mía Đông Gia Lai lên đến xấp xỉ 20.000 ha. Song song đó, các NMĐ cần phải chú trọng đầu tư chiều sâu cho nông dân để năng suất đạt ít nhất 60 tấn/ha để sản lượng của vùng mía trọng điểm này tăng lên 1,2 triệu tấn/vụ, lúc đó mới có thể giảm bớt tình trạng tranh giành mua mía. Đặc biệt, đối với 2 NMĐ An Khê và Bình Định, các đối trọng khai thác chung vùng nguyên liệu phía Đông Gia Lai, về lâu dài cần phải rạch ròi vùng quy hoạch, để mỗi nhà máy chủ động được kế hoạch ép mía, cũng như tránh được tình trạng giành giật nguyên liệu khi vào cuối vụ ép.
ĐỨC TRUNG