(SGGPO). – Sáng 10-3, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ và Thường trực Chính phủ đã dành trọn buổi sáng làm việc với các tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước (TCTNN) về nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kế hoạch năm 2010.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, tổng hợp các báo cáo của 19 tập đoàn và 61 TCTNN năm 2009 cho thấy, nhiều tập đoàn, TCTNN tiếp tục tăng trưởng tuy kết quả không cao như những năm trước. Một số TCT trước đây thua lỗ, khó khăn nhưng trong năm qua đã hoạt động hiệu quả hơn. Tổng vốn nhà nước của các tập đoàn, TCTNN đạt 492.579 tỷ đồng, tăng 28,7% so với kế hoạch năm, tăng 9,7% so với năm 2008. Tổng doanh thu là 1.164.469 tỷ đồng, vượt 42,4% kế hoạch năm, tăng 2,9% so với năm 2008.
Những tập đoàn, TCTNN có mức doanh thu cao là tập đoàn dầu khí, Tập đoàn Viễn thông quân đội, TCT Mía đường I, TCT Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn. Tuy nhiên, một số đơn vị doanh thu đạt thấp như TCT Thép chỉ đạt 80%; TCT Giấy 86,8%, TCT Lương thực miền Bắc 81,2% so với kế hoạch năm.. Tính chung, tổng lợi nhuận trước thuế của các tập đoàn, TCTNN đạt 80.799 tỷ đồng, vượt 52,8% kế hoạch năm, tăng 5% so với năm 2008. Tổng nộp ngân sách là 175.406 tỷ đồng, vượt 40,5% kế hoạch năm, bằng 92,7% so năm 2008. Những tập đoàn, TCT có mức nộp ngân sách cao là dầu khí, Công nghiệp than-khoáng sản, TCT chè, TCT công nghiệp dược phẩm Đồng Nai, TCT đầu tư phát triển hạ tầng đô thị.. Trong khi đó, nộp thấp là TCT hàng không, TCT Giấy..
Báo cáo này cũng công bố tỷ lệ nợ trên vốn sở hữu là 3,1 lần; trong đó 19 tập đoàn, TCT 91 là 1,67 lần. Thu nhập bình quân người lao động đạt 5,1 triệu đồng, tăng 9,9% so với năm 2008. Đánh giá chung cũng cho thấy, các tập đoàn, TCTNN đã cố gắng, có nhiều đóng góp thiết thực để Chính phủ bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, điều tiết phát triển kinh tế-xã hội theo mục tiêu đề ra.
Các tập đoàn, TCT cũng đã thực hiện nghiêm chỉnh chỉ đạo của Thủ tướng, tập trung đầu tư vào lĩnh vực sản xuất chính và phụ trợ, khắc phục đầu tư dàn trải, việc đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bất động sản theo đúng quy định. Các tập đoàn TCT cũng đã rà soát lại các dự án đầu tư nhằm sớm phát huy hiệu quả đồng vốn đầu tư. Cũng trong năm qua, các tập đoàn, TCTNN đã sắp xếp lại 72 đơn vị thành viên, trong đó chủ yếu là cổ phần hóa.
Tuy nhiên, Ban chỉ đạo cũng thắng thắn đánh giá, các tập đoàn, TCTNN còn nhiều tồn tại. Đơn cử như tăng trưởng chưa cao, năng suất lao động tăng chậm, chưa tận dụng được lợi thế của doanh nghiệp có quy mô lớn, năng lực quản lý của lãnh đạo chưa đáp ứng với thực tế đòi hỏi. Đầu tư còn dàn trải, chưa tương ứng với khả năng huy động vốn. Một số công trình đầu tư còn kéo dài, hiệu quả thấp đã làm cho năng suất lao động thấp, chi phí sản xuất tính cho một đơn vị sản phẩm chưa cắt giảm tích cực nên giá thành sản phẩm cao, chất lượng sản phẩm chưa thật ổn định, khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới thấp. Một số dự án triển khai còn chậm như điện, phát triển cao su tại Tây Nguyên, một số dự án đóng tàu, xây dựng các nhà máy đóng tàu, các dự án của TCT thép..
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh phải tiếp tục đẩy mạnh việc sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. Thúc đẩy tái cơ cấu doanh nghiệp, xây dựng lực lượng dân tộc. Thủ tướng cũng yêu cầu thực hiện nghiêm tinh thần của Nghị quyết Chính phủ: Kiên quyết sắp xếp các TCTNN hoạt động không hiệu quả, thua lỗ kéo dài nhiều năm, không có khả năng phục hồi; đồng thời, làm rõ trách nhiệm tập thể và cá nhân trong việc để TCT thua lỗ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Thủ tướng cũng đề nghị các tập đoàn, TCTNN đề cao trách nhiệm của mình trong việc cùng Chính phủ kiềm chế lạm phát, bình ổn giá, tham gia bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, dịch vụ phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân, nhất là các mặt hàng thiết yếu, không để xảy ra thiếu hàng, sốt giá, góp phần bình ổn thị trường và kiềm chế lạm phát.
PHAN THẢO