
Quảng Nam: 1 người bị lũ cuốn trôi

Đường Bạch Đằng TP Hội An, tỉnh Quảng Nam ngập sâu hơn 1m. Ảnh: NGUYÊN KHÔI
Do lũ lụt lớn, tại Quảng Nam, đến 16 giờ ngày 12-10, toàn tỉnh có 1 người chết, 14 nhà bị sập, 1.420 nhà bị ngập, đã có 334 hộ di dời ra khỏi vùng nguy hiểm...
Chiều 12-10, trao đổi với PV Báo SGGP, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, cho biết: đã cấp 110 tấn gạo cho nhân dân 10 xã trên địa bàn huyện để đảm bảo đủ lương thực trong mùa mưa bão. UBND huyện Tây Giang cũng đã hỗ trợ 350 triệu đồng để các xã trong huyện xây dựng nhà kho chứa lương thực và mua lúa dự trữ.
Theo Văn phòng Đại diện Chi cục Quản lý đê điều và Phòng chống lụt bão tại miền Trung, trong đợt lũ này, thiệt hại về người và tài sản không lớn. Duy chỉ có tỉnh Quảng Nam ngoài một người bị lũ cuốn trôi là chị Nguyễn Thị Lan, 33 tuổi, dân tộc Cor, đi gặt lúa rẫy về qua suối bị nước cuốn, còn thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 10 tỷ đồng, chủ yếu là lúa gieo và rau màu bị ngập.
Trong đó huyện Đại Lộc có 320 ha lúa gieo, 150 ha rau màu bị ngập. Thăng Bình 100 ha lúa và rau màu bị ngập. Ngoài ra, Tiên Phước có 6 nhà dân bị sập, 7 đập nước bị sạt lở. Hàng ngàn nhà dân bị ngập trong lũ, trong đó nhiều nhất là TP Hội An trên 2.000 hộ, Tiên Phước trên 300 hộ, TP Tam Kỳ trên 200 hộ…

Mưa lớn, núi lở đè sập một nhà dân ở xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, Quảng Nam. Ảnh: XUÂN THIỀU
Chiều 12-10, ông Lê Văn Giảng, Chủ tịch UBND TP Hội An, cho biết: Nhiều tuyến đường của TP Hội An bị ngập lụt, nặng nhất là tuyến đường Bạch Đằng bị ngập sâu hơn 1m. UBND TP Hội An đã sẵn sàng phương án sơ tán 2.000 dân các xã phường: Cẩm Kim, Cẩm Thanh, Thanh Hà, Minh An, Cẩm Nam… nếu nước lũ tiếp tục dâng cao.
Đặc biệt, UBND TP Hội An chú tâm đến việc chèn chống và bảo vệ 71 căn nhà cổ đang bị xuống cấp nằm trong vùng ngập lụt để hạn chế thấp nhất những thiệt hại có thể xảy ra.
Quảng Ngãi: Nứt núi Cà Bót, đe dọa 60 hộ dân
Đến 16 giờ chiều cùng ngày, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi vẫn còn mưa to đến rất to, lượng mưa trung bình đo được từ 50-120mm. Mưa lớn trên diện rộng khiến mực nước các sông vẫn đang lên nhanh và chưa có dấu hiệu rút xuống.
Đặc biệt, tại khu vực núi Cà Bót, xã Trà Lâm (huyện Trà Bồng) xuất hiện một vết nứt dài 70m, rộng gần 1m đe dọa 60 hộ dân với 308 nhân khẩu ở tổ 5, 6, 7, 8 thôn Trà Lạc. Huyện Trà Bồng cũng đã có công văn đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí 720 triệu đồng để di dời khẩn số hộ dân trên ra khỏi vùng nguy hiểm.
Thừa Thiên-Huế: Trường học cao tầng làm nơi tránh lũ
Từ chiều ngày 11 kéo dài đến ngày 12-10, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế liên tục xảy ra mưa vừa đến mưa rất to khiến mực nước trên các triền sông đều vượt mức báo động 1, dự kiến đến sáng 13-10 lũ trên các triền sông đều vượt qua báo động 2.
Để chủ động đối phó với lũ lớn, ngày 12-10, Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh đã yêu cầu UBND phường, xã thống kê số trường học cao kiên cố, nhà cao tầng trên địa bàn để kịp thời tiếp nhận những hộ dân nằm trong vùng sạt lở, lũ quét, gần cửa sông ven núi đến trú ẩn an toàn khi có mưa lũ lớn. Riêng 1.000 hộ dân vạn đò sông Hương sẽ được di dời đến những nhà cao tầng, trường học tại TP Huế để tránh lũ.
Quảng Trị: Sạt lở trên đường Hồ Chí Minh
Mưa lớn trong 2 ngày qua, gây sạt lở nghiêm trọng nhiều đoạn trên tuyến đường Hồ Chí Minh. Vào lúc 2 giờ sáng 11-10 tại km 281+282 đoạn chạy qua xã Húc Nghì, huyện Đakrông, do mưa lớn hàng trăm khối đất đá bên taluy dương đổ ập xuống vùi lấp 1 đoạn đường khoảng 30m gây ách tắc giao thông. Các tài xế và người dân địa phương đã tự nguyện dùng cuốc xẻng mở đường; tiếp đó lực lượng thi công đến hỗ trợ đến 15 giờ cùng ngày đoạn đường được lưu thông trở lại.
NHÓM PV
Mưa lớn tiếp diễn ở Trung bộ, lũ lên báo động 3 L.VĂN - PH.HẬU |
*****
* Thông tin liên quan: