Các tổ chức tín dụng đã xử lý được 236.800 tỷ đồng nợ xấu

Sáng 15-10, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết 2 năm triển khai Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) và Quyết định 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại hội nghị
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại hội nghị

Theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết, sau 2 năm triển khai Nghị quyết số 42 của Quốc hội gắn với Quyết định số 1058, Quyết định số 986/QĐ-TTg về phê duyệt chiến lược phát triển ngành ngân hàng tới năm 2025, định hướng năm 2030, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật các TCTD, công tác xử lý nợ xấu, cơ cấu lại các tổ chức tín dụng (TCTD) và phát triển hệ thống ngân hàng có chuyển biến rõ nét.

Cụ thể, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống TCTD tiếp tục duy trì ở mức dưới 2%. Nếu tính cả khoản nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản các TCTD (VAMC) và các khoản nợ có khả năng thành nợ xấu là 4,84% (tính tới hết tháng 8). Năm 2017 tỷ lệ này là 7,36%, năm 2018 là 5,85%. Về giá trị tuyệt đối, từ tháng 8-2017 (từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực) đến 31-8-2019, toàn hệ thống TCTD đã xử lý 236.800 tỷ đồng nợ xấu, trung bình mỗi tháng xử lý được 9.600 tỷ đồng, cao hơn 4.700 tỷ đồng/tháng của giai đoạn 2012- 2017.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tin tưởng nợ xấu sẽ giảm về dưới 3% vào cuối năm 2020, hoàn thành yêu cầu của Thủ tướng tại Quyết định số 986/QĐ-TTg, đóng góp tích cực vào cơ cấu lại tổ chức tín dụng và các chính sách vĩ mô khác, góp phần giúp giữ vững được ổn định kinh tế vĩ mô, nâng hạng tín nhiệm quốc gia, tín nhiệm nhiều tổ chức tín dụng, củng cố nền tảng của hệ thống ngân hàng trong bối cảnh diễn biến thế giới khó lường. Đây là nỗ lực lớn của ngành ngân hàng và sự chia sẻ, phối hợp trách nhiệm của các bộ, ngành khác, toà án, viện kiểm sát và các địa phương.

Toàn cảnh hội nghị
Tiếp tục triển khai Nghị quyết 42 và Quyết định 1058, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh mục tiêu ổn định vĩ mô là hàng đầu và gia tăng khả năng chống chịu của hệ thống ngân hàng trước các tác động từ bên ngoài và trong nước, bảo đảm an toàn hệ thống; đưa nợ xấu về dưới 3% tổng dư nợ vào cuối năm 2020.
Quan điểm xử lý nợ xấu là kiên trì thực hiện nguyên tắc thị trường và chia sẻ rủi ro; tuân thủ quy định pháp luật nhưng có cơ chế thử nghiệm ở những trường hợp đặc thù; phát huy vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức tín dụng; bảo đảm an toàn, hiệu quả; đề cao trách nhiệm cả hệ thống chính trị từ trung ương tới địa phương.

Tin cùng chuyên mục