
Huấn luyện viên Riedl và các cầu thủ đội tuyển Việt Nam.
1. Làm huấn luyện viên trưởng đội tuyển Việt Nam trong thời điểm hiện nay có lẽ là một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất... thế giới. Nhìn chung, chất lượng của đa số các tuyển thủ qua các cuộc thi tài vừa rồi phải nói là không đạt yêu cầu.
Trong tất cả các cầu thủ chạy cánh, không ai đạt được độ ổn định trong những quả tạt bóng. Tỉ lệ chuyền bóng hỏng (bóng ra biên, chuyền quá đà, chuyền quá non, chuyền bóng vào chân đối phương, chuyền đưa đồng đội vào thế khó...) của các tuyển thủ Việt Nam là khá cao.
Tiền đạo và tiền vệ sút bóng kém, vừa thiếu lực vừa thiếu chính xác. Qua ba giải đấu giao hữu vừa rồi, cầu thủ tấn công được coi là tốt nhất hiện nay của đội tuyển là Lê Công Vinh đã bỏ lỡ các cơ hội ghi bàn nhiều một cách đáng kinh ngạc, đặc biệt trong những lần anh một mình đối diện với thủ môn đối phương.
Sẽ có người bảo: Vì đây là đội U23, là đội trẻ, chứ không phải là đội tuyển quốc gia! Nhưng thực tế thì chúng ta đều biết đội tuyển U23 của Việt Nam hiện nay gần như là đội tuyển quốc gia. Vì ở lứa trên 23 tuổi, chúng ta không có cầu thủ tiền đạo nào tốt hơn Công Vinh hay Anh Đức. Hậu vệ cũng thế, có thể tin Huy Hoàng và Minh Đức là hai trong số ít những hậu vệ tốt nhất hiện nay. Nếu mở rộng thành phần, họa may chúng ta có thêm được Tài Em, Minh Phương và Phùng Văn Nhiên. Quá ít! Tất nhiên chúng ta có thể tự hào (như ông Riedl bất đắc dĩ phải tự hào) đây là đội tuyển quốc gia trẻ nhất trong lịch sử Việt Nam, thậm chí trẻ nhất thế giới.
Nhưng “trẻ” đi đôi với “giỏi” mới là điều chúng ta mong ước. Phải chi chúng ta có những Messi, Robinho, Cristian Ronaldo, Rooney - những cầu thủ ở lứa tuổi hai mươi đang giữ vai trò trụ cột ở câu lạc bộ lẫn tuyển quốc gia - thì hay biết mấy, và đáng tự hào biết mấy. Ở đây, ông Riedl ôm vào lòng một đống cầu thủ trẻ như một người bảo mẫu và không biết phải làm gì để các chú bé thực hiện thành công những hoài bão của mình. Huấn luyện viên trưởng đội tuyển không thể và không phải là người dạy các cầu thủ những kỹ thuật cơ bản như tạt bóng, chuyền bóng hay sút bóng.
Chắc chắn Arsene Wenger không dạy Henry cách xỏ bóng qua nách thủ môn, Mourinho không dạy Drogba cách xoay người bắt vô lê, cũng như thế những cú sút phạt thần sầu của David Beckham chắc chắn không đến từ những chỉ dẫn của Alex Ferguson. Không một nơi nào trên thế giới, các tuyển thủ quốc gia đến trung tâm huấn luyện của đội tuyển để... học kỹ thuật đá bóng. Những phẩm chất đó phải đến từ bản thân cầu thủ, đến từ những ngày rèn luyện ở câu lạc bộ.
Đôi lúc tôi tự hỏi điều gì đã và đang xảy ra với bóng đá Việt Nam? Tại sao chúng ta vẫn bắt gặp trong đầu mình cảm giác ngờ ngợ rằng chất lượng của cầu thủ Việt Nam đang từng bước đi xuống? Từ khi giải vô địch quốc gia biến thành V- League, có hay không có hiện tượng thu nhập và chất lượng của cầu thủ đang tỉ lệ nghịch với nhau? Chừng nào và phải làm gì để bóng đá Việt Nam xuất hiện những Lê Huỳnh Đức, Trần Minh Chiến, Nguyễn Hồng Sơn, Võ Hoàng Bửu, Trần Công Minh thế hệ mới, chưa nói đến chuyện vượt những ngôi sao này?
Tại sao hiện nay chúng ta thèm thuồng và mỏi mắt tìm một cầu thủ cỡ dự bị trong đội tuyển vàng trước đây như Vũ Minh Hiếu hay Nguyễn Văn Sỹ để “cầm chịch” thế trận mà cũng không tìm thấy? Tới đây thì câu chuyện không còn thuộc về huấn luyện viên đội tuyển nữa mà đã trở thành câu hỏi dành cho Liên đoàn bóng đá Việt Nam, với hàng loạt những bất ổn về phương pháp, chiến lược và hệ thống đào tạo và phát triển tài năng trẻ.
2. Vì vậy chúng ta nên quay lại với đề tài huấn luyện viên trưởng đội tuyển quốc gia. Ngoài sự yếu kém về chất lượng chuyên môn của cầu thủ, HLV đội tuyển Việt Nam còn gặp một khó khăn to lớn khác là quanh năm phải sống dưới sức ép của chủ nghĩa thành tích. Ngồi vào chiếc ghế HLV tuyển Việt Nam trên thực tế giống như rơi vào một vũng nước xoáy, các HLV không biết nên đi theo lộ trình nào và nên hướng mục tiêu của mình vào đâu.
Dĩ nhiên, bao giờ các bản hợp đồng cũng xác định mục tiêu chính là thành tích ở SEA Games hay Tiger Cup. Nhưng trong quá trình huấn luyện, để phục vụ cho mục đích quảng cáo của các nhà tài trợ, đội tuyển quốc gia luôn bị đẩy vào các giải đấu giao hữu, trong đó có nhiều giải rất vô bổ, như một võ sinh bị đẩy lên võ đài trong khi chưa kịp luyện thuần thục những miếng đánh đắc dụng.
Thôi, cũng được đi, vì “túi tiền” của Liên đoàn, đội tuyển quốc gia không thể thoái thác những giải đấu ngoài kế hoạch, nhưng khi đội tuyển đang ở trong quá trình luyện những ngón võ hiểm để sử dụng cho năm tới thì đừng bắt họ phải đánh đâu thắng đó trong năm nay. Nhưng về mặt tâm lý, chúng ta (cả Liên đoàn, giới truyền thông lẫn người hâm mộ) vẫn muốn đội tuyển thắng, hoặc yêu cầu thấp hơn một chút là “không thắng thì cũng phải chơi đẹp hoặc cho thấy sự tiến bộ rõ rệt”.
Nhưng một đội tuyển đang ở đầu hoặc ở giữa chu kỳ huấn luyện vẫn có thể không thắng, không chơi đẹp lẫn “không cho thấy sự tiến bộ rõ rệt” - vì đơn giản đó không phải mục tiêu tiên quyết của một đội bóng đang trong quá trình hoàn thiện với những yêu cầu huấn luyện chuyên biệt trong từng giai đoạn cụ thể. Tuy nhiên, trước kỳ vọng quá lớn của đám đông, chưa một HLV trưởng đội tuyển nào dám bất chấp áp lực ghê hồn đó. Họ vẫn cố thắng các giải mời để làm vừa lòng dư luận, kể cả chấp nhận phá vỡ chu kỳ huấn luyện bằng cách điều chỉnh điểm rơi phong độ - một cách làm hoàn toàn phản khoa học, như trường hợp Tavares.
Cái cách ông Riedl bấm bụng nuốt lời hứa để sử dụng đến sáu cầu thủ trên 23 tuổi trong một trận đấu ở Agribank Cup vừa rồi cho thấy cái sức ép thành tích đó khủng khiếp đến mức nào. Rốt cuộc, chúng ta đã có rất nhiều chức vô địch ở các giải giao hữu và thua te tua khi bước vào các giải đấu chính thức. Hàng loạt HLV đội tuyển đã trở thành nạn nhân lẫn tội đồ. Và nhiều người trong số họ đã ra đi trong ấm ức - cái đó dân gian kêu bằng “chết không nhắm mắt”!
Đội tuyển Việt Nam do đó rất cần một ông HLV không những tài năng mà còn phải có bản lĩnh, gan lì và biết sống chết với lý tưởng mà mình đã chọn. Ông ta (nếu may mắn có một ông như thế) phải đủ dũng cảm phớt lờ báo chí và dư luận, sẵn sàng thua ở các giải giao hữu để kiên trì thử nghiệm và đi theo đúng lộ trình huấn luyện mà mình đã vạch ra để cuối cùng cứu lấy thanh danh (và cả chiếc ghế HLV trưởng) bằng chức vô địch SEA Games hay vô địch cúp Đông Nam Á sau đó.
Đó là cách duy nhất để thành công và qua đó đem lại một tiền lệ tốt đẹp cho bóng đá Việt Nam và cho... chức HLV trưởng đội tuyển Việt Nam.
Chu Đình Ngạn