Nhìn nhận đây là vấn đề rất quan trọng, tác động đến đời sống cán bộ công chức, viên chức, song ông Bùi Văn Cường cho rằng, diễn biến phức tạp của dịch bệnh đã tác động hết sức nghiêm trọng đến đời sống kinh tế - xã hội đất nước.
“Chúng ta đã phải chi ngân sách rất nhiều cho công tác phòng chống dịch. Có rất nhiều khoản phải chi, nên việc tăng lương theo lộ trình dù hết sức cần thiết nhưng trong bối cảnh chuỗi sản xuất bị đứt gãy, nguồn lực chi cho đầu tư phát triển, an sinh xã hội cần kíp hơn. Các địa phương cũng đã đề xuất dùng nguồn cải cách tiền lương để sử dụng cho công tác phòng chống dịch”.
Theo Tổng Thư ký Quốc hội, từ sự đồng thuận của cán bộ công chức, viên chức, Hội nghị trung ương 4 đã quyết định sẽ lùi cải cách tiền lương đến thời điểm thích hợp. Dù vậy, Trung ương cũng xác định xác định các nhóm có thu nhập thấp sẽ được ưu tiên tăng lương khi chính sách cải cách tiền lương được thực hiện trở lại. Ví dụ, những người nghỉ hưu trước năm 1995 sẽ được xem xét trước.
Cùng chia sẻ về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong khẳng định, việc thực hiện chính sách cải cách tiền lương sẽ được xem xét khi nguồn lực cho phép.
“Mặc dù chúng ta đã chuẩn bị rất kỹ các giải pháp để cải cách tiền lương, đảm bảo nguồn để thực hiện cải cách tiền lương như tiết kiệm chi thường xuyên, quyết liệt thu hồi tài sản… nhưng so với yêu cầu vẫn chưa có nguồn lực” – ông Phong lý giải.
Cùng với đó, đề án vị trí việc làm, điều kiện cần thiết để đáp ứng nhu cầu cải cách tiền lương cũng chưa thực hiện được.
Thực tế trên cùng với bối cảnh cả nước đang “thắt lưng buộc bụng” chờ phục hồi kinh tế, ông Phong cho rằng, Trung ương đã quyết định lùi thực hiện chính cải cách tiền lương.
“Hiện tại nhiều địa phương đang đề nghị Quốc hội cho phép dùng nguồn từ thực hiện cải cách tiền lương để lo an sinh cho người dân, nhất là ở những tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, nơi vừa có rất nhiều lao động trở về. Địa phương hoàn toàn bị động với việc này” – ông Phong cho biết, đồng thời nhận định, trong điều kiện như vậy mà thực hiện tăng lương cho cán bộ công chức là “rất phản cảm về mặt chính trị”.
Với quyết định trên, đây là lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định lùi thời điểm thực hiện lộ trình cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Cùng với quyết định trên, trong phát biểu bế mạc tại Hội nghị Trung ương 4 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, Ban Chấp hành Trung ương yêu cầu tiếp tục rà soát, tính toán kỹ lưỡng, chuẩn xác hóa lại các mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để trình Quốc hội xem xét, quyết định, bảo đảm đáp ứng yêu cầu vừa tiếp tục phòng, chống, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, vừa phục hồi phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2022 và các năm tiếp theo.
Dự báo trong năm 2022, tình hình dịch bệnh trên thế giới và ở nước ta còn diễn biến phức tạp, khó lường, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, cần phải đổi mới tư duy, nhận thức đúng đắn hơn về phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh gắn với duy trì, phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh để xây dựng các phương án, kịch bản phù hợp đưa vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách nhà nước, đầu tư công năm 2022 sao cho sát hợp, khả thi nhất có thể.
Trên cơ sở kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2022 và chủ trương, định hướng phòng, chống dịch trong tình hình mới, kịp thời điều chỉnh chính sách tài chính - tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, tạo nguồn lực để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, phục hồi sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hóa, lao động, nhất là ở các địa phương đã thực hiện giãn cách xã hội trong thời gian dài, thúc đẩy xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, đẩy mạnh đầu tư, bao gồm cả đầu tư công và đầu tư tư nhân...
Trước đó, tại hội nghị lần thứ 13, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã quyết định lùi thời điểm thực hiện cải cách tiền lương đến ngày 1-7-2022, thay vì năm 2021 theo Nghị quyết 27-NQ/TW.