Cũng những yếu tố nguồn lượng tham gia giao thông như vậy, thậm chí mật độ và lưu lượng giao thông không những không giảm mà trái lại ngày một tăng theo hướng năm sau cao hơn năm trước, thế nhưng tình hình giao thông đi lại nói riêng, trật tự an toàn giao thông nói chung đã hầu như có ngay sự đổi khác nếu không muốn nói là bước đầu chuyển biến tích cực vừa khi cơ quan chức năng nghĩ ra và triển khai một số biện pháp tổ chức thực hiện.
Tình hình giao thông đi lại và an toàn giao thông tại cụm khu vực cửa ngõ Tây Bắc thành phố là một dẫn chứng sinh động cho nhận định nêu trên. Lấy ví dụ về điểm nóng giao thông tại quốc lộ 22 đoạn trước cổng Bến xe Củ Chi và Khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi. Trước đây, địa chỉ giao thông này trở thành điểm nóng, là vấn đề làm đau đầu cơ quan chức năng bởi vì bản thân nó đã dung chứa nhiều điểm bất cập về tổ chức giao thông: bị thắt nút cổ chai, cung đường vây quanh bởi hai đầu mối có đặc thù hấp dẫn, thu hút nguồn nhân lực đổ tới là Bến xe Củ Chi và Khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi. Chưa hết, nguy cơ mất an toàn giao thông còn ở chỗ mặc dù là tuyến quốc lộ nhưng lại không có sự tách làn giao thông giữa xe hai bánh và các phương tiện ô tô. Khi nhận ra những đặc thù này, ngành giao thông vận tải TPHCM mà đại diện là Khu Quản lý Giao thông đô thị số 3 đã đề ra giải pháp đúng đắn: thiết lập giải phân cách để chấm dứt tình trạng trộn dòng giao thông giữa ô tô với xe hai bánh; mở rộng mặt đường lên thêm từ 2-3m cho mỗi chiều đường và lấy diện tích mở rộng này làm không gian cho xe hai bánh lưu thông. Một giới chức quản lý đô thị địa phương nhận xét rằng, từ khi những động tác này được ngành công chính triển khai, nguy cơ xảy ra ùn tắc và tai nạn giao thông trên cung đường này đã giảm thiểu rõ rệt.
Tương tự như vậy là điểm nóng giao thông tại ngã tư An Sương thuộc địa bàn quận 12. Có thể hiểu rõ sự bức bối giao thông tại nút giao thông này nói riêng và trên tuyến quốc lộ 1A từ An Sương về An Lạc nói chung khi biết rằng năng lực thiết kế của tuyến là dành cho 10.000 xe ngày đêm nhưng thực tế hiện nay vọt lên đến khoảng 50.000 xe ngày đêm, tức là nhiều hơn gấp 5 lần năng lực vốn có. Giải quyết điểm nóng này vừa khó vừa dễ. Dễ là vì theo quy hoạch, nút giao này sẽ không còn là bức xúc giao thông nữa một khi có giao thông theo kiểu 3 tầng: đường trên cao, hầm chui và đường trên mặt phẳng hiện hữu. Nhưng khó ở chỗ là kinh phí thực hiện. Trong khi chờ đợi các giải pháp, cơ quan chức năng đã uyển chuyển, linh động thực hiện phương án cho mở rộng làn xe hai bánh mỗi bên thêm 3m kết hợp tích hợp hệ thống biển báo và đèn tín hiệu đặt tại các giao lộ để người tham gia giao thông dễ quan sát. 3m mở rộng thêm ấy sẽ dành riêng cho xe hai bánh, tức là tách làn xe giữa ô tô với xe máy khi quẹo rẽ tại nút.
Nói cách khác, cái khó trên bình diện nào đó cũng đã buộc giới chức hữu quan phải “ló” cái hay, và suy cho cùng, yếu tố con người luôn giữ vai trò quyết định, không chỉ trong lãnh vực giao thông vận tải mà còn suy ra cho mọi lãnh vực ngành nghề khác trong xã hội.
HUY KHÁNH