Năm 2019, các tổ chức quốc tế lớn đều dự báo kinh tế thế giới tiếp tục xu hướng giảm (những nền kinh tế phát triển sẽ có mức tăng trưởng thấp hơn 0,3% so với năm 2018; các nền kinh tế mới nổi giữ được đà tăng trưởng tương đương năm 2018, khoảng 4,7%). Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam vẫn được quốc tế dự báo khá lạc quan, với GDP tăng 6,6% - 7%.
Trao đổi với PV Báo SGGP, bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), cho biết, triển vọng tốt của kinh tế năm 2019 sẽ tạo thuận lợi rất lớn cho thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam.
* PHÓNG VIÊN: Để nói về năm 2018, theo bà, đâu là những điểm nhấn đáng chú ý?
- Bà TẠ THANH BÌNH: Năm 2018 là năm TTCK Việt Nam trải qua nhiều biến động do những phức tạp của tình hình kinh tế, tài chính, tiền tệ thế giới. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó TTCK vẫn đạt được, duy trì nhiều kết quả ấn tượng. Tính đến cuối năm 2018, chỉ số VN Index đạt 892,54 điểm, giảm 9,3% so với cuối năm 2017; trong khi một số TTCK trên thế giới có mức giảm điểm tương đối lớn, như Trung Quốc giảm 24,6%, Đức giảm 18,3%, Hàn Quốc giảm 17,3%, Hồng Công giảm 14,6%, Anh giảm 12,5%, Nhật Bản giảm 12,1%.
Quy mô vốn hóa của thị trường năm 2018 tăng 12,7% so với năm 2017, tương ứng với 71,6% GDP của năm 2018, vượt chỉ tiêu Chính phủ đề ra đến năm 2020. Thanh khoản trên thị trường cổ phiếu tiếp tục duy trì đà tăng trưởng so với năm 2017, với mức tăng 29% từ 5.000 tỷ đồng/phiên năm 2017 lên 6.500 tỷ đồng/phiên năm 2018; tổng giá trị huy động vốn qua TTCK năm 2018 đạt hơn 278.000 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2017. Thông qua huy động vốn, các doanh nghiệp đã mở rộng sản xuất, kinh doanh và phát triển, giảm áp lực vay ngân hàng.
Dòng vốn gián tiếp của nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) vẫn tiếp tục vào ròng trên TTCK Việt Nam trong khi rút ròng ở các thị trường khu vực, thể hiện sự đánh giá lạc quan với khả năng phát triển của TTCK Việt Nam. Dòng vốn nước ngoài vào ròng trên TTCK vẫn duy trì ở mức cao (2,75 tỷ USD năm 2018 so với 2,92 tỷ USD năm 2017), thể hiện cầu đầu tư mạnh mẽ của các NĐTNN vào Việt Nam. Giá trị danh mục đầu tư của NĐTNN năm 2018 đạt 32,6 tỷ USD, tương đương với giá trị cuối năm 2017 và khoảng hơn 1 tỷ USD tiền mặt.
* Tại lễ đánh cồng phiên giao dịch chứng khoán đầu năm vừa qua, bên cạnh những thành tích quan trọng đạt được, Thủ tướng đã thẳng thắn đề cập đến một số hạn chế của TTCK Việt Nam, trong đó có việc tính tuân thủ kỷ cương kỷ luật của thị trường còn hạn chế. Vậy UBCKNN đã có những giải pháp nào để khắc phục hạn chế trên?
- Thời gian qua, UBCKNN đã tăng cường thanh tra, giám sát và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật nhằm hạn chế các hành vi trục lợi, thao túng thị trường. Cụ thể, năm 2018, UBCKNN đã xử phạt hành chính đối với 397 trường hợp vi phạm của 129 tổ chức và 268 cá nhân với tổng số tiền phạt là 21 tỷ đồng. Trong đó, xử phạt 9 cá nhân có hành vi thao túng, tạo cung cầu giả với tổng số tiền phạt 4,95 tỷ đồng, tịch thu khoản thu lợi bất hợp pháp của một cá nhân là 149 triệu đồng… UBCKNN cũng đã phối hợp với cơ quan điều tra, tố tụng trong việc điều tra, thực hiện giám định thiệt hại đối với một số vụ án đã khởi tố, có ý kiến về xác định hành vi tội phạm, thiệt hại phục vụ cho việc điều tra...
Tuy nhiên, phải thừa nhận, trên thị trường vẫn có những hiện tượng thao túng, nội gián song việc kiểm tra, làm rõ các hành vi vi phạm còn hạn chế, gặp nhiều khó khăn do UBCKNN không có thẩm quyền yêu cầu các cơ quan, đối tượng, cá nhân cung cấp thông tin (về dòng tiền, thông tin liên quan đến đối tượng nghi vấn), triệu tập đối tượng liên quan đến làm việc, còn khó khăn trong việc xác định chính xác mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng của hậu quả để làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong quá trình sửa đổi Luật Chứng khoán luật sắp tới, UBCKNN dự kiến bổ sung một số quyền hạn nêu trên để có thể phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm.
* Những điểm hạn chế của TTCK cũng đã được Thủ tướng chỉ ra là tính minh bạch dù đã được cải thiện nhưng còn ở mức chưa cao; nhà đầu tư (NĐT) chưa thực sự chuyên nghiệp, chủ yếu là các NĐT nhỏ lẻ, dẫn đến tâm lý đám đông, rủi ro lan truyền còn lớn. UBCKNN đã làm gì để khắc phục tình trạng này?
- Đúng là bên cạnh kết quả tích cực đạt được, TTCK vẫn còn một số vấn đề cần tháo gỡ, trong đó, tính minh bạch cần tiếp tục được cải thiện. Một số công ty đại chúng vẫn chưa chủ động trong việc công khai các thông tin về tình hình hoạt động, tình hình sử dụng vốn, tình hình quản trị công ty, số liệu tại báo cáo tài chính còn có sai sót. Việc tuân thủ quản trị công ty nhiều trường hợp chỉ là hình thức chứ chưa phải là mong muốn thực sự của doanh nghiệp.
Về cơ sở NĐT, đúng là cần phải tiếp tục cải thiện. Hiện nay, số lượng NĐT trên TTCK Việt Nam vẫn còn thấp so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Tính đến cuối năm 2018, tỷ lệ NĐT đầu tư TTCK chiếm khoảng 2,2% dân số của Việt Nam. Đây là mức khá thấp so với các quốc gia khác như Hoa kỳ 48,8% (năm 2013), Singapore 29,1% (năm 2015), Malaysia 26% (năm 2011), Trung Quốc 14,6% (năm 2015).
Hiện NĐT cá nhân vẫn là đối tượng chiếm đa số trên thị trường cổ phiếu, các NĐT có tổ chức chiếm tỷ lệ nhỏ. Theo thống kê, tổng giá trị giao dịch của NĐT cá nhân trong nước hiện chiếm gần 75% sàn TPHCM; trên TTCK phái sinh, NĐT cá nhân cũng chiếm trên 99%. Để cải thiện cơ sở NĐT, năm 2019, với NĐT cá nhân, UBCKNN sẽ đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn, phổ cập kiến thức và tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức; tăng cường khả năng tiếp cận thị trường cho các NĐT nhỏ thông qua việc minh bạch trong công bố thông tin của doanh nghiệp niêm yết và công ty đại chúng.
Đối với NĐT tổ chức, UBCKNN sẽ bổ sung sản phẩm, hàng hóa phù hợp như hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ; tăng cường phát triển cơ sở các NĐT chuyên nghiệp thông qua việc đối thoại thường xuyên/định kỳ với thành viên thị trường, đặc biệt là các quỹ đầu tư, các ngân hàng lưu ký... tháo gỡ vướng mắc và đưa ra các chính sách phù hợp.
Cùng với đó, trong dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi, UBCKNN cũng đã bổ sung quy định về NĐT chuyên nghiệp và tổ chức, cá nhân đáp ứng được yêu cầu thì sẽ có cơ chế riêng so với các NĐT khác.
* Thủ tướng có giao Bộ Tài chính, UBCKNN phối hợp với các bộ, ngành triển khai các giải pháp nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi. Hiện UBCKNN đã triển khai các biện pháp như thế nào, thưa bà?
- Việc Việt Nam được bổ sung vào danh sách theo dõi nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi loại 2 theo báo cáo thường niên tháng 9 của FTSE Russell công bố ngày 27-9-2018 là một trong những động thái hết sức tích cực góp phần thu hút lượng vốn ngoại vào TTCK Việt Nam. Xét về các tiêu chí của FTSE, TTCK Việt Nam đã đáp ứng được các tiêu chí đối với thị trường mới nổi thứ cấp, bao gồm: môi trường pháp lý, hạ tầng và chất lượng thị trường, hoạt động giao dịch, hệ thống lưu ký và thanh toán bù trừ... Tuy nhiên, để được chính thức nâng hạng, thị trường Việt Nam sẽ cần tiếp tục duy trì và cải thiện tốt hơn các tiêu chí được đề ra và thời gian tối thiểu xem xét là 1 năm.
Còn xét trên các tiêu chí của MSCI (công ty uy tín chuyên cung cấp các công cụ phân tích thị trường tài chính và xây dựng các chỉ số tham chiếu cho các NĐT trên thị trường cổ phiếu, trái phiếu) thì Việt Nam đã đáp ứng được tất cả các yêu cầu về định lượng và vấn đề cần cải thiện là định tính: minh bạch, tự do hóa luồng vốn, quản trị công ty, mở cửa cho NĐTNN.
Hiện nay, UBCKNN đang tiến hành tháo gỡ vướng mắc về tỷ lệ sở hữu để tăng cường thu hút dòng vốn gián tiếp nước ngoài thông qua việc xây dựng Luật Chứng khoán sửa đổi; phát triển, đa dạng hóa và gia tăng chất lượng các sản phẩm trên TTCK; tăng cường tính công khai, minh bạch hóa trên TTCK, đảm bảo quyền bình đẳng trong việc tiếp cận thông tin của NĐT ngoại; nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp và báo cáo tài chính… Với các giải pháp nâng hạng đang được thực hiện, chúng tôi cho rằng nhiều khả năng năm 2019 hoặc năm 2020, TTCK Việt Nam sẽ đáp ứng được các tiêu chí của MSCI.
* Xin cảm ơn bà!