Cán bộ nghĩ đúng, làm trúng phải được bảo vệ - Bài 2: Không hình sự hóa việc cán bộ làm với động cơ trong sáng

Bí thư Thành ủy TPHCM khẳng định, Ban Chỉ đạo PCTNTC TPHCM sẽ theo dõi, giám sát thực hiện Kết luận 14-KL/TW của Bộ Chính trị để giúp cán bộ yên tâm làm đúng, làm tốt nhiệm vụ được giao; đồng thời, khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, có sáng kiến, sáng tạo trong công việc.
Mô hình thí điểm xe đạp công cộng được Sở GTVT TPHCM triển khai và nhân rộng thời gian qua. Ảnh: THU HƯỜNG
Mô hình thí điểm xe đạp công cộng được Sở GTVT TPHCM triển khai và nhân rộng thời gian qua. Ảnh: THU HƯỜNG

Tại phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) TPHCM vào ngày 19-9, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, khẳng định, Ban Chỉ đạo PCTNTC TPHCM sẽ theo dõi, giám sát thực hiện Kết luận 14-KL/TW của Bộ Chính trị (về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung) để giúp cán bộ yên tâm làm đúng, làm tốt nhiệm vụ được giao; đồng thời, khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, có sáng kiến, sáng tạo trong công việc. Đây là một cam kết cụ thể giúp cán bộ, đảng viên có điểm tựa và an tâm đổi mới sáng tạo vì lợi ích chung.

Giải bài toán xung khắc

Trong buổi làm việc với UBND TPHCM về tình hình kinh tế - xã hội mới đây, lãnh đạo Bộ KH-ĐT phân tích, TPHCM hiện nay còn bề bộn công việc, đặc biệt là những đầu việc tồn đọng, vướng mắc từ trước để lại chưa giải quyết được. Những vấn đề khó khăn, hóc búa nhất đều dồn về TPHCM. Nếu thực hiện đúng theo quy định pháp luật thì hầu như gặp khó, hoặc một bộ phận người dân không đồng tình. Trong khi đó, nếu đáp ứng theo nguyện vọng người dân hoặc các mong muốn của TPHCM và nhà đầu tư thì bị vướng pháp luật.

Mong muốn của người dân là cán bộ TPHCM phải đổi mới, sáng tạo. Nếu tiếp tục làm việc cứng nhắc, theo sách vở thì công việc không thể trôi chảy trước yêu cầu phát triển của TPHCM. Song thực tế, cán bộ nóng lòng giải quyết công việc có thể rơi vào tình huống làm trái quy định của Đảng, Nhà nước và gặp rủi ro. Điều đó gây ra lo lắng cho cấp lãnh đạo, quản lý nói riêng và cán bộ, đảng viên nói chung.

Trong các buổi lấy ý kiến góp ý triển khai thực hiện Kết luận 14-KL/TW, Giám đốc Sở KH-CN TPHCM Nguyễn Việt Dũng nhấn mạnh, đổi mới sáng tạo là động lực phát triển của TPHCM nói riêng và đất nước nói chung. Tuy nhiên, đổi mới, sáng tạo thường vướng rào cản pháp lý, đó là khác với các quy định của pháp luật. Vì vậy đổi mới, sáng tạo và pháp lý là hai vấn đề xung khắc nhau. Cùng nhìn nhận thực tế này, Giám đốc Sở Công thương TPHCM Bùi Tá Hoàng Vũ đề xuất, đối với những việc tồn đọng, vướng mắc, cấp thành phố chọn từng đầu việc cụ thể giải quyết trước, cấp quận thực hiện sau. Nếu không thì TPHCM rơi vào tình huống “nghị quyết, kết luận có cho cơ chế” nhưng vẫn không thực hiện được.

Nêu dẫn chứng cụ thể, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM Trần Hoàng Quân chia sẻ, TPHCM quyết tâm đến năm 2025 không còn nhà ở trên và ven kênh rạch (với hơn 18.500 căn nhà). Trong số này, có trường hợp nhà chỉ mười mấy mét vuông, theo quy định thì bồi thường khoảng vài chục triệu đồng, cao nhất cũng chỉ 100 triệu đồng/căn. Với số tiền này, người dân không đủ mua căn nhà khác để ở sau khi bị giải tỏa. Do đó, Sở Xây dựng TPHCM đề xuất bố trí bằng nhà ở xã hội hoặc nhà tái định cư (diện tích tối thiểu từ 30-45m2) cho người dân. Với cách làm này, người dân có lợi nhất nhưng chắc chắn sẽ có độ chênh lệch về số tiền, mà đó lại là tiền ngân sách. “Cách làm này có lợi cho người dân nhưng 1-2 nhiệm kỳ sau bị truy lại thì có thể bị cho là làm thất thoát tiền ngân sách”, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM giãi bày.

"Để các ý tưởng sáng tạo được phát huy đúng lúc, đúng chỗ, hàng tuần lãnh đạo HĐND TPHCM duy trì chế độ giao ban. Qua đó, có thể nắm bắt tâm tư, tình cảm cán bộ, đảng viên, người lao động, nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn; cũng như các nội dung, ý tưởng cần được tập thể góp ý, tổ chức thực hiện có hiệu quả thông qua quy chế dân chủ. Từ đó, HĐND TPHCM triển khai thực hiện các ý tưởng sáng tạo, kết quả là các chương trình “Dân hỏi - Chính quyền trả lời”, “Đối thoại cùng chính quyền thành phố” ra đời" - Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Văn Dũng

Tiền lương - một công cụ kích thích sáng tạo

Hiện nay, có một số việc giải quyết rất chậm, do sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương chưa đồng bộ. Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng nhìn nhận, trong công việc mà cán bộ chỉ lo làm tròn vai, xong nhiệm vụ mà không có đổi mới sáng kiến, sáng tạo thì sản phẩm làm ra đôi khi không đạt, công việc nhiều lúc chậm, không trôi chảy. Minh họa thêm, lãnh đạo Sở GTVT TPHCM cho biết, khi triển khai thí điểm mô hình xe đạp công cộng tại trung tâm thành phố, sở đề xuất sử dụng vỉa hè làm nơi để xe đạp công cộng nhưng một số sở, ngành liên quan có những ý kiến khác nhau. Trong đó, có ý kiến phản đối cho rằng vướng các quy định, vì sử dụng vỉa hè liên quan đến quy định tài sản công. Đây là việc có lợi cho TPHCM, cho người dân nhưng các cơ quan có trách nhiệm liên quan chưa nỗ lực phối hợp thực hiện. Sau đó, Sở GTVT TPHCM phải báo cáo xin ý kiến UBND TPHCM thống nhất cho thí điểm và được lãnh đạo TPHCM đồng ý thực hiện.

Giám đốc Sở KH-CN TPHCM Nguyễn Việt Dũng phân tích, người lãnh đạo sợ sai thì sẽ không dám quyết những vấn đề đổi mới, sáng tạo. Do đó, người lãnh đạo phải có đủ bản lĩnh, đủ tâm huyết dám quyết định nên làm hay không. Đồng tình, Đại biểu Quốc hội, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM Phạm Khánh Phong Lan nhận định, mỗi cán bộ có năng lực, khả năng riêng. Vấn đề là người lãnh đạo phải biết phát huy và đặt họ vào vị trí, môi trường để họ phát triển. Tuy nhiên, trong đội ngũ cán bộ, công chức chưa thực sự cạnh tranh để phát triển. Để giải quyết câu chuyện này, cần dùng đến “vũ khí” đồng lương: Sử dụng quỹ lương một cách linh động để trả cao hơn cho người làm được việc, làm tốt, có sáng tạo, sáng kiến…

Trong bối cảnh hiện nay, TPHCM xác định đây là cơ hội để đánh giá lại cán bộ cũng như giải quyết tâm tư, giải tỏa tâm lý trong một bộ phận cán bộ. Trong những tình huống cấp thiết, cán bộ dám quyết để xử lý công việc tốt hơn là điều nên làm. Có như vậy, TPHCM mới giải quyết được những vấn đề khó khăn, đang tồn đọng. Muốn làm được điều này, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM Trần Văn Bảy cho rằng, phải cụ thể hóa thành các quy định pháp luật chứ không dừng lại ở việc cụ thể hóa Kết luận 14-KL/TW. Đặc biệt là quy định cán bộ làm việc với động cơ trong sáng thì phải được bảo vệ, không hình sự hóa. Đó là biện pháp cụ thể, rõ ràng khuyến khích, động viên được cán bộ năng động, sáng tạo.

Đồng chí Hoàng Thị Khánh, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM: Cần sự bao dung và thấu hiểu

Một trong những yếu tố quan trọng để thực hiện được tinh thần của Kết luận 14-KL/TW là cán bộ lãnh đạo, quản lý phải có tâm. Bởi cán bộ dám đột phá, phá bỏ cái cũ để triển khai cái mới thường là những nhân tố hiếm hoi và cũng rất dễ bị để ý, cô lập. Nếu gặp lãnh đạo, quản lý không sát sao, không hiểu cán bộ, không khách quan thì dễ khiến cán bộ nhụt chí, không dám làm. Cùng với đó, các văn bản pháp luật phải đồng bộ, không chồng chéo.

Kết luận 14-KL/TW đề cập, phải xem mục đích của sự sáng tạo, sự đổi mới đó là nhằm vào mục đích gì, vì lợi ích chung hay lợi ích cá nhân. Người làm công tác kiểm tra nên lấy ý này làm trọng điểm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát. Cụ thể, cán bộ ngành xây dựng Đảng trước hết phải là những tấm gương về phẩm chất đạo đức và ý thức trách nhiệm trên cương vị được giao. Cán bộ làm công tác kiểm tra, ngoài liêm khiết, giữ vững nguyên tắc, kiên quyết thì cũng phải rất cần sự bao dung và thấu hiểu. Khi phát hiện những dấu hiệu “lệch đường ray” thì phải chỉ ra, uốn nắn cán bộ kịp thời. Công tác kiểm tra không chỉ là phát hiện sai phạm để kỷ luật và xử lý hình sự, mà bản chất của kiểm tra là phát hiện sớm để ngăn chặn những sai phạm, bảo vệ cán bộ, giữ cán bộ.

 Đồng chí Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TPHCM: Cần có cơ chế bảo vệ cán bộ

Chúng ta cần cơ chế bảo vệ cán bộ, gồm cơ chế khuyến khích và cơ chế bảo vệ. Trong cơ chế khuyến khích có xem xét khen thưởng, ghi nhận từ ý tưởng cho đến xây dựng đề án, tổ chức thực hiện thành công đề án. Một ý tưởng sáng tạo phải được khen thưởng ngay để anh em mạnh dạn đề xuất. Ngoài ra, với cơ chế bảo vệ, cần miễn trừ trách nhiệm người đề xuất, cơ quan đề xuất khi đề án được đề xuất, thẩm định phê duyệt và được triển khai thực hiện nhưng quá trình thực hiện chưa đạt hoặc đạt ở mức độ nhất định.

Chúng ta cũng không đặt nặng trách nhiệm đối với người đề xuất, mà nên đặt trách nhiệm với người quyết định đưa đề xuất ý tưởng để thực hiện. Điều này đòi hỏi người đứng đầu phải có trách nhiệm hơn, bởi người đứng đầu không giải quyết công việc đặt ra thì nhiệm vụ, chức năng của cơ quan mình không hoành thành.

Tin cùng chuyên mục