Các đồng chí: Lê Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM; Lê Minh Dũng, Bí thư Huyện ủy huyện Cần Giờ và các đồng chí Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy: Phạm Đức Hải, Nguyễn Thọ Truyền; cùng đông đảo cán bộ, chuyên viên, nhân viên ngành tuyên giáo thành phố tham dự.
Phát biểu ôn lại truyền thống của ngành, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Lê Hồng Sơn bày tỏ tự hào khi ngành tuyên giáo luôn khẳng định vai trò quan trọng không thể thiếu trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; công tác đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng cũng như trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng của Đảng ta về mọi mặt.
Đồng chí Lê Hồng Sơn phát biểu ôn lại truyền thống của ngành tuyên giáo. Ảnh: KIỀU PHONG |
Công tác tuyên giáo cũng được vinh dự công nhận vai trò là lực lượng tiên phong trên mặt trận tư tưởng của Đảng, tăng cường sự gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân, làm cầu nối giữa nhân dân với Đảng, làm cho nhân dân ngày càng tin vào Đảng. "Đây là vấn đề cơ bản quyết định sự thành công của cách mạng", đồng chí Lê Hồng Sơn nhấn mạnh và chia sẻ, giai đoạn hiện nay, vai trò, nhiệm vụ đó ngày càng nặng nề, đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới.
Do đó, đội ngũ tuyên giáo càng phải kiên định, bản lĩnh, trí tuệ, đoàn kết, chủ động, đổi mới, sáng tạo. Đặc biệt, mỗi cán bộ tuyên giáo phải hòa mình vào đời sống xã hội của nhân dân, cùng hòa nhịp với cuộc sống, cùng trăn trở, vui, buồn với những khó khăn của nhân dân. Có như thế mới kịp thời định hướng, tuyên truyền, góp phần hiện thức hóa chủ trương, nghị quyết của Đảng, củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân, phát huy sức mạnh của toàn dân vào công cuộc xây dựng và phát triển TPHCM nói riêng, đất nước nói chung.
Cụ thể, ngành tuyên giáo phải thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền hiệu quả để người dân cùng thấy và hiểu được những kết quả tích cực đạt được qua giữa nhiệm kỳ; cũng như những hạn chế, yếu kém còn gặp phải. Giải quyết những hạn chế, yếu kém đó trong thời gian tới là nhiệm vụ chung, trong đó có trách nhiệm của ngành tuyên giáo trong sự phát triển của địa phương, đơn vị.
Ngành cũng cần đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền trong tình hình mới; thực hiện thông tin và định hướng tuyên truyền kịp thời về thời sự, đặc biệt đối với các vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm. Cùng với đó là sự chủ động tham mưu cho các cấp ủy Đảng kịp thời chỉ đạo, định hướng tư tưởng, tuyên truyền và trực tiếp tham gia xử lý những vấn đề bức xúc, nhạy cảm nảy sinh trên các lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến đời sống của nhân dân như đất đai, y tế, giáo dục, môi trường...
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phạm Đức Hải trao Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp tuyên giáo" đến các cá nhân có nhiều đóng góp cho ngành. Ảnh: KIỀU PHONG |
Đồng thời chủ động, sáng tạo đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt, triển khai Nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách pháp luật nhà nước để tạo động lực, quyết tâm mạnh mẽ triển khai Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM gắn với tiếp tục quán triệt, triển khai Nghị quyết 31, Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị…
“Chúng ta thật sự tự hào và trân trọng về những đóng góp quan trọng trên lĩnh vực công tác tư tưởng - công tác tuyên giáo hơn 93 năm vào sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước. Thành tựu đạt được qua các thời kỳ là hành trang quý báu, là điểm tựa vững chắc, như là “bệ phóng” để tiến vào thời kỳ mới. Song nếu chỉ dựa vào, say sưa với thành tích đã đạt được, sẽ là nguy cơ của sự tụt hậu và thất bại” - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Lê Hồng Sơn
Đồng chí Lê Hồng Sơn nhấn mạnh, với vai trò “đi trước, mở đường”, ngành tuyên giáo thành phố phải thực sự năng động sáng tạo, bám sát mục tiêu, nhiệm vụ và thực tiễn, nhạy bén với những nhu cầu của cuộc sống để hoạch định nhiệm vụ chính xác, sử dụng phương pháp công tác phù hợp để đạt hiệu quả cao. Đặc biệt là phải nâng cao tính chiến đấu, tầm trí tuệ, sức thuyết phục của công tác tư tưởng, gắn lý luận với thực tiễn, gắn trí tuệ với tình cảm trong công tác tư tưởng.
Thông qua đó để phát huy bài học kinh nghiệm đã có trong bối cảnh và điều kiện mới, phát huy sức mạnh của toàn hệ thống các “binh chủng” làm công tác tuyên giáo - công tác tư tưởng chính trị, bao gồm cả “xây” và “chống”, theo phương châm “Kiên định, bản lĩnh, trí tuệ, đoàn kết, chủ động, đổi mới, sáng tạo”, “Đi trước mở đường, đi cùng thực hiện, đi sau tổng kết” tạo niềm tin, khí thế và thực lực trên mọi lĩnh vực, bảo đảm mọi điều kiện, cơ sở thuận lợi cho công tác tư tưởng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong thời gian tới.
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Nguyễn Thọ Truyền trao Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp Tuyên giáo" cho các cá nhân có nhiều đóng góp cho ngành. Ảnh: KIỀU PHONG |
Dịp này, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM tổ chức trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tuyên giáo” của Ban Tuyên giáo Trung ương cho 32 cá nhân đã có nhiều đóng góp cho ngành tuyên giáo của thành phố.
* Cũng tại buổi họp mặt, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Lê Hồng Sơn cùng cán bộ, chuyên viên, nhân viên ngành tuyên giáo TPHCM dâng hương, dâng hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Khu di tích lịch sử chiến khu Rừng Sác, nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27-7-1947 – 27-7-2023).
Các đại biểu dâng hương tại Bia tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 10 đặc công Rừng Sác. Ảnh: KIỀU PHONG |
Tại đây, các thành viên trong đoàn đã dâng nén tâm hương, dành một phút mặc niệm, thành tâm tưởng nhớ, tri ân các anh hùng, liệt sĩ, quân và dân đã anh dũng hy sinh nơi đây, cống hiến máu xương cho hòa bình, độc lập dân tộc và thống nhất đất nước.
Đồng chí Lê Hồng Sơn dâng hương tưởng nhớ anh hùng, liệt sĩ, quân và dân đã anh dũng hy sinh tại Rừng Sác. Ảnh: KIỀU PHONG |
Các đại biểu cũng được xem phim tư liệu về Khu di tích lịch sử chiến khu Rừng Sác - dấu ấn một “căn cứ nổi” với những chiến công vang dội đi vào lịch sử.
Các đại biểu xem phim tư liệu về Khu di tích lịch sử chiến khu Rừng Sác - một “căn cứ nổi” với những chiến công vang dội. Ảnh: KIỀU PHONG |
Đây là nơi hình thành, sống và chiến đấu vô cùng anh dũng của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 10 đặc công Rừng Sác hoàn thành sứ mệnh án ngữ đường thủy chiến lược trên sông Lòng Tàu, phá hủy các kho, bến bãi của địch… góp phần làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Song, để thực hiện nhiệm vụ, tạo nên những chiến công lịch sử đã có hơn 860 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh và đến nay vẫn còn 540 liệt sĩ chưa tìm được hài cốt.