Cần cải thiện công nghệ xử lý chất thải rắn

Đó là khẳng định của nhiều chuyên gia môi trường khi cho rằng việc xử lý chất thải rắn hiện nay của thành phố vẫn chưa thực sự hiện đại. Trên thực tế, hiện có 10% chất thải rắn sinh hoạt được tái chế thành phân compost. 10% còn lại vẫn xử lý bằng biện pháp chôn lấp hợp vệ sinh. Điều này đang tiêu tốn một khoản ngân sách và diện tích đất khá lớn để đảm bảo công tác xử lý chất thải phát sinh từ hoạt động chôn lấp rác.
Cần cải thiện công nghệ xử lý chất thải rắn

Đó là khẳng định của nhiều chuyên gia môi trường khi cho rằng việc xử lý chất thải rắn hiện nay của thành phố vẫn chưa thực sự hiện đại. Trên thực tế, hiện có 10% chất thải rắn sinh hoạt được tái chế thành phân compost. 10% còn lại vẫn xử lý bằng biện pháp chôn lấp hợp vệ sinh. Điều này đang tiêu tốn một khoản ngân sách và diện tích đất khá lớn để đảm bảo công tác xử lý chất thải phát sinh từ hoạt động chôn lấp rác.

        Những tác hại khôn lường từ chất thải

Chất thải rắn luôn là vấn đề bức xúc của tất cả các đô thị phát triển trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Hiện nay, tổng lượng chất thải rắn đô thị phát sinh trên toàn quốc khoảng 21.500 tấn/ngày. Dự báo, khối lượng này sẽ tăng thêm gấp 2 - 3 lần vào giai đoạn 2015 - 2020. Trong đó, tỷ lệ tăng cao nhất rơi vào 2 thành phố là Hà Nội và TPHCM vì đang có xu hướng mở rộng và phát triển mạnh cả về quy mô lẫn dân số và công nghiệp.

Việc thu gom và xử lý chất thải rắn đang chiếm một phần đáng kể trong ngân sách nhà nước. Thế nhưng, thực trạng quản lý và xử lý chất thải rắn không hiệu quả hiện nay đang và sẽ gây mất mỹ quan đô thị. Đặc biệt, ảnh hưởng đến chất lượng sống của dân cư do mầm bệnh, mùi hôi, vi trùng, nước rỉ rác… phát sinh từ hoạt động xử lý rác. Thêm vào đó, chất thải nguy hại không được phân loại đúng cách, lẫn trong chất thải sinh hoạt và đưa đến những bãi chôn lấp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, dẫn đến suy thoái môi trường. Nghiêm trọng hơn, việc chôn lấp rác đang làm gia tăng lượng khí mêtan - một loại khí gây ra biến đổi khí hậu.

Xử lý rác thành phân bón tại Nhà máy xử lý rác Vietstar. Ảnh: Phạm Kim Ngân

Xử lý rác thành phân bón tại Nhà máy xử lý rác Vietstar. Ảnh: Phạm Kim Ngân

Không chỉ có chất thải, bùn thải gây ô nhiễm cũng đang là mối quan tâm hàng đầu của xã hội và các cấp chính quyền. Tổng lượng bùn thải phát sinh trên cả nước ước tính vài trăm ngàn tấn/ngày. Điều đáng nói, lượng bùn thải này chưa được thu gom và xử lý triệt để nên đang là tác nhân gây ô nhiễm nghiêm trọng cho nguồn nước ngầm, nước mặt, không khí và xâm nhập vào chuỗi thực phẩm, làm gia tăng các bệnh tật, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của con người.

        Công nghệ xử lý lạc hậu

Thực trạng ô nhiễm từ chất thải là rất đáng lo ngại nhưng công nghệ xử lý chất thải còn đáng lo ngại hơn. Hiện nay, tại nước ta phương pháp xử lý chất thải rắn đô thị chủ yếu là chôn lấp chiếm 90%. 10% còn lại là tái chế rác thải thành phân compost và một số ít sản phẩm khác nhưng khả năng tái chế này cũng đang nảy sinh nhiều bất cập do chưa phù hợp với thành phần chất thải rắn của nước ta. Mặt khác, tại hầu hết các bãi chôn lấp đều đang trong tình trạng quá tải so với công suất tiếp nhận. Việc chiếm quá nhiều quỹ đất, chi phí cũng như khó kiểm soát vấn đề ô nhiễm môi trường trong quá trình vận hành đang khiến cho phương pháp xử lý này ngày càng bộc lộ nhiều yếu kém của nó. Mùi hôi và nước rỉ rác có nồng độ ô nhiễm đậm đặc phát sinh từ bãi chôn lấp rác rất khó để có thể xử lý được. Và đây chính là lý do khiến cho người dân bức xúc và phản ánh nhiều nhất.

Phương pháp chế biến phân compost mới được áp dụng ở nước ta với tổng công suất khoảng 1.400 tấn/ngày. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế hầu hết nhà máy ủ phân compost đang ít nhiều gây ra những tác hại cho môi trường do thường xuyên trục trặc kỹ thuật. Hệ thống thổi khí tiêu tốn nhiều năng lượng nhưng lại thường xuyên bị tắc nghẽn, ảnh hưởng lớn đến quá trình phân hủy, phát sinh nhiều mùi hôi. Trở ngại khác là phân compost làm ra chưa có thị trường tiêu thụ vì lượng hữu cơ trong rác thải chưa đáp ứng chất lượng phân hữu cơ, cần phải bổ sung một tỷ lệ phân chuồng hợp lý mới có thể được thị trường chấp nhận.

Do vậy, nhìn chung các nhà máy sản xuất compost từ chất thải hữu cơ đều hoạt động không hiệu quả, phải gián đoạn, tạm dừng hoặc đóng cửa. Riêng về chất thải là bùn thải thì các kết quả khảo sát cho thấy bùn từ công đoạn xử lý nước thải bằng phương pháp sinh học là phát sinh nhiều nhất. Tuy nhiên, hiện số ít lượng bùn này đang được tái chế thành phân compost. Còn phần lớn đều bị trộn chung rác thải sinh hoạt để đổ ra bãi chôn lấp hoặc đổ thẳng ra môi trường.

Từ những thực tế trên, cần có giải pháp công nghệ phù hợp để xử lý chất thải rắn đô thị tại nước ta nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, hướng tới phát triển bền vững.

        Cần tái chế rác thành năng lượng

Trong nhiều giải pháp xử lý chất thải rắn đang ứng dụng hiện nay, công nghệ lên men mêtan được đánh giá là hữu hiệu nhất. Cơ sở để áp dụng công nghệ này là do thành phần rác hữu cơ nước ta chiếm 80%, thành phần bùn thải chứa hơn 50% các chất thải hữu cơ. Với tỷ lệ hữu cơ này, nếu áp dụng công nghệ phân hủy sinh học kỵ khí, chúng ta có thể thu biogas để sản xuất điện năng phục vụ ngành năng lượng. Phần chất thải rắn còn lại sau khi đã thu khí có thể sử dụng làm phân bón phục vụ nông nghiệp.

Phương pháp ủ kị khí rác ướt qua nhiều giai đoạn (BAT) cũng được đánh giá là phù hợp với tính chất rác thải nước ta nhất. Vì phương pháp này cho phép rút ngắn thời gian ủ, rác phân hủy nhanh, khắc phục được các nhược điểm của công nghệ kị khí hiện nay. Đặc biệt, với khả năng thu 80 - 120m3 khí/tấn chất thải, công nghệ này cho phép sản xuất được lượng điện khoảng 224kWh. Đồng thời, giảm 1 tấn CO2/tấn rác hữu cơ. Chỉ có điều, hạn chế của công nghệ này đòi hỏi chi phí thiết bị đầu tư ban đầu cao, kỹ thuật vận hành phức tạp. Vì thế, cần có biện pháp khuyến khích, ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi từ phía cơ quan chức năng để vận động các nhà đầu tư tham gia triển khai áp dụng đồng bộ công nghệ mêtan hóa trong xử lý chất thải rắn hữu cơ tại nước ta hiện nay.

Giáo sư - Tiến sĩ NGUYỄN VĂN PHƯỚC
Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường

Tin cùng chuyên mục