Trước khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng – vật nuôi!

Cần cân nhắc kỹ

Cần cân nhắc kỹ

Hiện nay các địa phương ở ĐBSCL đang vận động nông dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế bằng nhiều mô hình cụ thể để gia tăng lợi nhuận trên 1 đơn vị đất đai. Nhiều nông hộ bằng sự chủ động tiếp thu kinh nghiệm của nhà nông các nơi đã mạnh dạn chuyển đổi cây - con giống và đạt hiệu quả cao.

Cần cân nhắc kỹ ảnh 1

Mô hình nuôi vịt chạy đồng.

Tuy vậy cũng không ít bà con trong khi tiếp thu kinh nghiệm của bạn điền địa phương khác đã quên không so sánh điều kiện thời tiết, thủy văn, thổ nhưỡng đất đai của mình và của bạn có tương tự nhau không. Nếu khác biệt, người ta làm thì trúng lớn, mình làm theo đúng y chang mô hình, qui trình kỹ thuật lại thua to và băn khoăn hoài không biết tại sao!

Ví dụ: 1 ha đất đem trồng cam mật, khi ra trái ổn định có thể đem lại cho nhà vườn thu nhập 100 triệu đồng/năm. Nếu nhà vườn kết hợp nuôi 10 con dê sinh sản trên đất vườn thì phân dê và tiền bán dê con vừa đủ chi phí toàn bộ công lao động chăm sóc, thu hoạch trái cây; giảm được 10% chi phí phân bón… và đẩy thu nhập nhà vườn lên trên 120 triệu đồng/năm. Trong khi đó ở vùng lúa, với 1 ha, sản xuất 2 vụ/năm, người trồng lúa chỉ có thể thu về khoảng 20 triệu đồng! Nghĩa là trồng cam mật mang lại thu nhập gấp 5-6 lần trồng lúa!

Nhưng mô hình vườn - chăn nuôi dê này không thể ứng dụng trên đất lúa ở vùng bị ảnh hưởng mùa nước nổi trên 2 tháng mỗi năm vì cam và các loại cây có múi nói chung rất sợ ngập nước. Thay vì lên liếp, đắp đê bao vườn trồng cam, nhà nông nên thực hiện mô hình 2 lúa (vụ hè thu, đông xuân) + 1 cá (vụ mùa nước nổi). Nhiều nhà nông ở “huyện lúa” Thốt Nốt (TP Cần Thơ) đã ứng dụng thành công mô hình này và bà con cho biết chỉ riêng cá lóc môi trề, cá lóc thường nuôi trong 10 công ruộng mùa nước nổi đã đem lại cho bà con thu nhập 50-60 triệu đồng.

Do đó, trước khi quyết định chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, nhà nông rất cần lắng nghe ý kiến của cán bộ kỹ thuật làm công tác khuyến nông. Các anh chị trong đội ngũ khuyến nông đều nắm vững quy hoạch, phân vùng đất sản xuất nông nghiệp, đặc điểm thổ nhưỡng, thời tiết, thủy văn v.v… của địa bàn mình đảm trách để tư vấn cho bà con thông qua từng mô hình sản xuất phù hợp.

KS. HOÀNG BẢO

Tin cùng chuyên mục