Cần con cua chân thật và miếng thịt sạch

Để biến chủ trương “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trở thành ý thức và hành động của mỗi người Việt Nam, hàng Việt Nam phải thật sự chiếm được cảm tình, đi vào lòng người về cả chất và lượng, lẫn mẫu mã bao bì.
Cần con cua chân thật và miếng thịt sạch

Để biến chủ trương “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trở thành ý thức và hành động của mỗi người Việt Nam, hàng Việt Nam phải thật sự chiếm được cảm tình, đi vào lòng người về cả chất và lượng, lẫn mẫu mã bao bì.

Cua bán ngoài thị trường thường được cột nhiều dây, nhúng nước để tăng cân. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Cua bán ngoài thị trường thường được cột nhiều dây, nhúng nước để tăng cân. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Trong khi thực phẩm chế biến xuất khẩu của Việt Nam ngày càng có uy tín thì cũng còn nhiều mặt hàng bán lẻ trong nước chưa có bao bì, tiếp tục dùng những trò xảo thuật tai hại, đáng phê phán.

Điển hình là con cua biển, một loại đặc sản khoái khẩu nhưng từ lâu người tiêu dùng trong nước ngán ngại chuyện mua cua, vì vướng phải sợi dây trói cua quá lớn và thường sũng nước, khiến người mua cua bị thiệt mà vẫn phải ngậm bồ hòn làm ngọt! Với cái dây trói cua kiểu ấy, tự nó đã giới hạn sức tiêu thụ, bó hẹp thị trường, từ đó làm giảm thu nhập người nuôi, lợi nhuận của người bán.

Dù người bán có biện minh cách gì thì đây vẫn là sự gian dối trắng trợn, bởi nó làm cho người tiêu dùng bị thiệt hại. Từ đó, nhiều người tiêu dùng ngại mua cua, mà chọn thực phẩm khác thay thế để khỏi vương “bệnh tức”.

Bên cạnh chuyện sợi dây trói cua, còn có những cách khác nhằm móc túi người tiêu dùng như “trấn nước heo, bơm nước vịt” để thịt ngậm nước, nhằm ăn gian về trọng lượng. Điều này khiến một bộ phận người tiêu dùng quay sang mua các sản phẩm thịt, phủ tạng gia súc, gia cầm đông lạnh nhập ngoại, làm ảnh hưởng đến giá heo, gà, vịt trong nước, có thể gây thua lỗ cho người chăn nuôi.

Cần nhắc lại, trước đây các nhà máy chế biến tôm xuất khẩu đau đầu với vấn nạn bơm chích tạp chất như agar, kim loại, nước lã... vào tôm nguyên liệu. Gần đây kẻ gian dường như “nâng cao trình độ” bằng cách xay nhuyễn con ruốc, các loại tôm tép nhỏ, rồi bơm vào thân tôm nguyên liệu loại lớn để được “giá trị gia tăng” cao hơn.

Rồi một loại gian lận mới trên cá ba sa, là chuyện tư thương gian lận bằng cách gắn chíp điện tử, rồi cài mật mã và dùng remote điều khiển từ xa để làm giảm trọng lượng sản phẩm đang cân, khiến người bán bị thiệt hại mà không hay biết.

Đã đến lúc Hội Nông dân, các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng, quản lý thị trường và chính quyền các cấp cần quan tâm đấu tranh chống các hình thức mua bán gian dối. Cần tuyên truyền, giáo dục để người bán tôn trọng quyền lợi khách hàng, thực hiện “mua đúng, bán đủ” một cách chân thật. Có như vậy người mua mới gắn bó và ủng hộ sản phẩm nội địa, tạo lợi ích nhiều mặt cho cả người mua, người bán và người sản xuất.

KS Nguyễn Văn Thước

Tin cùng chuyên mục