Mặc dù giảm, song giá than liên tục ở mức cao từ năm 2021 đến nay, trong khi theo cơ cấu nguồn thì nhiệt điện than vẫn chiếm tới 39% (để đảm bảo ổn định công suất nguồn) nên đẩy giá thành sản xuất điện tăng theo.
Vì vậy, ngày 31-3 vừa qua, Bộ Công thương họp báo công bố giá thành sản xuất điện của EVN năm 2022 cho thấy tăng hơn giá bán lẻ hiện tại là 9%. Cụ thể, giá bán lẻ bình quân duy trì suốt 4 năm qua ở mức 1.864,44 đồng thì giá thành năm 2022 đã là 2.032,26 đồng/kWh.
Như vậy, trung bình mỗi số điện, EVN đang bán dưới giá thành 168 đồng, nên khoản lỗ năm 2022 của EVN là hơn 26.200 tỷ đồng. Nếu vẫn giữ nguyên mức giá bán lẻ này thì đến hết tháng 5-2023, EVN sẽ không còn tiền trong tài khoản. Và theo tính toán, nếu cả năm 2023 vẫn không tăng giá điện thì EVN cùng các thành viên sẽ bị lỗ khoảng 64.941 tỷ đồng.
Theo các chuyên gia, nếu không điều chỉnh giá điện, việc mất cân đối dòng tiền của EVN sẽ kéo theo những hệ lụy nghiêm trọng. Vì EVN không có tiền để trả các nhà máy điện (EVN đang nợ tiền mua điện nhiều tháng nay), các nhà máy sẽ không có tiền để trả các đơn vị cung ứng than, khí. Điều đó dẫn đến các nhà máy điện có thể phải dừng sản xuất.
Như vậy, điều chỉnh lại giá điện là cần thiết và có cơ sở trong bối cảnh hiện nay. Quy định hiện hành cũng cho phép khi giá thành sản xuất tăng hoặc giảm trên 3% thì EVN được điều chỉnh giá điện.
Mới đây, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công thương phải sớm hoàn thiện phương án điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân theo khung giá đã ban hành đầu tháng 2-2023 (mức tối thiểu là 1.826,22 đồng và tối đa là 2.444,09 đồng/kWh). Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Chính phủ cần dự báo, tính toán, đánh giá tác động của việc điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, các dịch vụ công đang triển khai lộ trình thị trường, đảm bảo còn dư địa cho việc kiểm soát lạm phát cả năm theo mục tiêu đề ra.