Cần hình thành sàn giao dịch nông sản

Điệp khúc “được mùa, mất giá và được giá, mất mùa” luôn gây trăn trở trong bối cảnh hàng nông sản Việt Nam liên tục cần được “giải cứu” trong thời gian qua. Chỉ tính từ đầu năm 2018 đến nay, đã có nhiều đợt nông sản cần giải cứu như dưa hấu, khoai lang và gần đây nhất là vải thiều… 
Nông sản cần được chuẩn hóa theo chuẩn quốc tế
Nông sản cần được chuẩn hóa theo chuẩn quốc tế
Một vấn đề được đặt ra, tại sao Việt Nam là nước có nền nông nghiệp phát triển mạnh, xuất khẩu nông sản cũng thuộc tốp hàng đầu thế giới nhưng nông sản trong nước vẫn liên tục cần giải cứu? Lý giải vấn đề này, theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu, hàng nông sản Việt Nam được xếp tốp đặc sản trong sự lựa chọn tiêu dùng của thế giới. Tuy nhiên, ở khía cạnh nông dân, họ chưa thực sự chú trọng đến khâu trồng cây theo những tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm của toàn cầu. Phần lớn họ trồng rau quả theo kinh nghiệm thực tế. Mặt khác, họ chưa được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương trong việc cập nhật những quy định, tiêu chuẩn mới mà thị trường các nước thay đổi và áp dụng. 

Một số ít bộ phận nông dân, dù đã được hỗ trợ để chuẩn hóa nông sản của mình đạt chuẩn quốc tế, nhưng vì những lợi ích ngắn hạn đã sẵn sàng phá bỏ tiêu chuẩn để chạy theo số lượng. Thực tế này đã khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lao đao. Đồng thuận với quan điểm này, Bộ Công thương cho rằng, để có thể đưa được một mặt hàng nông sản nào vào thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia... các cơ quan chức năng liên quan phải đàm phán thời gian rất lâu. Đơn cử như trường hợp đưa trái xoài vào thị trường Australia hay trái thanh long vào thị trường Mỹ. Thời gian đàm phán và chứng minh các tiêu chuẩn cần thiết phải đáp ứng của 2 sản phẩm này phải mất trên dưới 10 năm. Thế nhưng, chỉ cần một lần người trồng vi phạm ngưỡng tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm hay vượt ngưỡng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật thì mọi công sức đàm phán gần như trở về số 0. 

Do vậy, để nông sản Việt Nam có thể phát triển bền vững, trước tiên, cần thiết nông dân phải giữ được chất lượng sản phẩm của mình. Kế đến, tiếp cận các tổ chức, cơ quan chức năng để được hỗ trợ phát triển thương hiệu sản phẩm. Trong đó, nhất thiết phải tính đến yếu tố đầu tư thương hiệu và cải thiện bao bì sản phẩm. Đây cũng là giải pháp để nâng cao hình ảnh, chất lượng sản phẩm nông sản Việt, từ đó nâng cao được giá trị gia tăng của sản phẩm. 

Về phía cơ quan chức năng, cần nhanh chóng hoàn thiện sàn giao dịch nông sản trong nước. Đây là cơ sở để các nhà phân phối đăng ký những hình thức thu mua khác liên quan đến sàn giao dịch, sàn đấu giá như các mô hình nông nghiệp trên thế giới để nông dân và thị trường nông sản trong nước không còn trăn trở với cụm từ “giải cứu”.

Tin cùng chuyên mục