Cuối tuần qua, dưới sức ép của phe đối lập, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda lại một lần nữa phải bác bỏ khả năng giải tán Hạ viện chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử sớm. Thông tin này xuất hiện trong lúc Nhật Bản đang phải đối mặt với nguy cơ nền kinh tế và bộ máy nhà nước xứ Hoa anh đào bị tê liệt do ngân sách cạn kiệt.
Nguy cơ này xuất phát từ việc phe đối lập không chấp nhận cho chính phủ phát hành công trái mới đi vay trên thị trường. Giống như trường hợp của Mỹ trong dịp hè năm 2011, Nhật Bản đang đứng bên bờ vực của tình trạng mất khả năng thanh toán chỉ vì bất đồng giữa phe đối lập và phe đa số. Trong trường hợp của Tokyo, đây chỉ là một đạo luật mang tính kỹ thuật, nhưng vì là một đạo luật ngân sách, do vậy, cần phải có sự chấp thuận của cả Thượng viện và Hạ viện.
Theo thông lệ, việc thông qua đạo luật nói trên chỉ là một thủ tục, nhưng giờ đây, phe đối lập, chiếm đa số tại Thượng viện đã sử dụng lá bài này để buộc Thủ tướng Noda cho tổ chức bầu cử lập pháp trước thời hạn. Thủ tướng Noda từng lên tiếng cảnh báo rằng nếu tình hình này tiếp tục, các cơ quan hành chính sẽ phải ngừng hoạt động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống thường ngày của người dân và gây khó khăn cho việc phục hồi kinh tế. Việc phát hành công trái mới sẽ cho phép đáp ứng được 40% tổng chi ngân sách, từ tháng 4-2012 đến tháng 3-2013.
Điều đáng nói ở đây là cuộc đấu đá trên chính trường Nhật Bản lại xảy ra vào thời điểm thực trạng tài chính của nền kinh tế đứng hàng thứ ba trên thế giới đang lâm vào thế khó. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nợ công của Nhật Bản tương đương 236% GDP, khoảng 10.000 tỷ EUR. Trong khi đó, tỷ lệ này của Hy Lạp là 170%, Italia 126% hoặc Tây Ban Nha 90%. 90% số nợ công của Nhật Bản do chính người dân nước này cho vay, nhờ vậy, nguồn tài chính công của xứ sở Mặt trời mọc không bị giới đầu tư ngoại quốc tấn công.
Quyết định từ bỏ năng lượng hạt nhân đã buộc Nhật Bản phải phụ thuộc vào các nguồn nhiên liệu nhập khẩu. Lực lượng lao động đang trong xu hướng giảm trong khi lực lượng ăn lương hưu ngày một gia tăng. Nước Nhật còn phải vật lộn với 3 cuộc khủng hoảng: xuất khẩu trì trệ, suy thoái kinh tế và đồng nội tệ tăng mạnh. Giá trị xuất khẩu của Nhật Bản vào tháng 9 đã giảm 10,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kết quả này một lần nữa trở thành gáo nước lạnh, dập tắt hy vọng về sự phục hồi nhanh chóng. Giá trị xuất khẩu của Nhật Bản sang thị trường châu Âu hiện sụt giảm hơn 20% do cuộc khủng hoảng nợ, quan hệ thương mại với đối tác kinh tế hàng đầu Trung Quốc cũng đang lâm vào tình trạng bi đát do tranh chấp biển đảo. Tờ Telegraph nhận định, sự lao dốc trong hoạt động xuất khẩu sẽ đẩy nền kinh tế Nhật Bản rơi vào cuộc suy thoái toàn diện.
Thảm họa kép năm ngoái dường như đã hút hết sinh khí “gã khổng lồ của châu Á” ngày nào. Cộng thêm những mâu thuẫn trong quốc hội vì lý do chính trị kéo dài càng khiến dư luận lo ngại về tương lai nước Nhật.
Có lẽ, để lấy lại vị trí cường quốc số 2 trên bản đồ địa chính thế giới, đất nước Phù Tang cần phải có sự đồng lòng hơn nữa trong chính trường để dẫn tới thống nhất trong điều hành kinh tế thay vì sự chia rẽ như hiện nay.
Thanh Hằng