Câu chuyện hội nhập

Cần tầm nhìn dài hơi

1- Một giám đốc doanh nghiệp vừa than với chúng tôi, đến nay đã có kết quả chi phí tháng đầu tiên thực hiện tính giá điện trong giờ cao điểm. Công ty của anh tháng rồi sản xuất liên tục nên tiền điện tăng thêm do sản xuất vào giờ cao điểm, khoảng 400 triệu đồng. Như thế, nếu tính cả năm thì tiền điện phát sinh trong chi phí khoảng 4 tỷ đồng. Công ty của anh chuyên sản xuất sợi, vừa bán trong nước cho các nhà máy dệt vừa xuất khẩu, do vậy không thể chạy một lúc rồi ngừng sản xuất để tránh giờ cao điểm.

Mà không chỉ anh, các doanh nghiệp khác cũng cho biết, không hiểu sao Chính phủ lại quy định giờ cao điểm vào lúc 9 giờ 30 đến 11 giờ 30, vốn là giờ sản xuất. Đã thế, việc tăng lương cơ bản khiến các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như công ty này cũng tăng thêm chi phí gần 4 tỷ đồng/năm. Và như thế công ty đã phải tăng chi phí thêm 8 tỷ đồng/năm, trong khi các chính sách hỗ trợ lãi vay ngân hàng, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp mà chính phủ triển khai vừa qua khó bù đắp nổi chi phí tăng thêm này.

Bởi vì, theo tính toán, gói kích cầu 1 tỷ USD, tương đương với 17.000 tỷ đồng, thực chất là kích cầu sản xuất, tăng cung mà chưa kích cầu tiêu dùng, vì thế hàng bán ra chậm, tồn kho lớn. Bây giờ, với những chính sách như trên sẽ đẩy giá bán lên cao khó cạnh tranh với hàng hóa các nước, nhất là với hàng hóa giá rẻ Trung Quốc.      

2- Gần đây, nhiều doanh nghiệp và địa phương có khu kinh tế cửa khẩu phản ứng trước quy định của Chính phủ từ 1-7-2009 sẽ không cho những người nhập cảnh mua hàng miễn thuế tại các cửa khẩu để mang vào Việt Nam.

Tỉnh An Giang đã có văn bản cho biết sau nhiều năm vận động xây dựng khu kinh tế cửa khẩu, đến nay gần đưa vào hoạt động, các doanh nghiệp theo cam kết của tỉnh đã vào đây đầu tư cửa hàng, nay với quyết định này họ không biết làm sao! Tỉnh mang tiếng thất hứa, doanh nghiệp lâm vào tình trạng khó khăn, tồn hàng, chôn vốn…

Các doanh nghiệp cho biết, trong vụ việc này họ rơi vào tình thế bị động và rất bất lợi. Thứ nhất là chính sách ban hành quá đột ngột, thời hạn có hiệu lực quá gần khiến doanh nghiệp không có thời gian xoay trở. Thứ hai, việc ra quy định như vậy không theo thông lệ quốc tế, vì điều này sẽ khiến họ mua hàng ở nước ngoài mang vào và Việt Nam mất đi một khoản ngoại tệ đáng kể khi Việt kiều và người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam.

Nguyên nhân ra quy định này cũng đã được Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng giải thích, để chống việc nhập lậu hàng hóa vào Việt Nam, vì đã có những vụ nhập lậu thông qua con đường này. Tuy nhiên, các doanh nghiệp thì cho rằng, việc chống buôn lậu, thẩm lậu hàng hóa là trách nhiệm của Hải quan, còn buôn bán theo thông lệ quốc tế thì cứ làm và không lý do gì mà Việt Nam tự cắt quyền lợi của mình. Tại sao vẫn còn tình trạng vì không quản lý được là cứ siết lại và đẩy phần khó khăn về phía doanh nghiệp? Doanh nghiệp cần những chính sách dài hơi, ổn định lâu dài để tính toán chuyện làm ăn, chứ chính sách cứ “giật cục” như thế, doanh nghiệp sẽ “giật mình thon thót”, không biết đâu mà lần.

 Thứ trưởng Thường trực Bộ Công thương Bùi Xuân Khu cho biết, ông đã nhận được phản ánh của các doanh nghiệp về giá điện tăng thêm do quy định tính giá điện giờ cao điểm. Hiện nay Bộ Công thương đang theo dõi và cập nhật thêm thông tin để có thể đến giữa năm xem xét và kiến nghị Chính phủ điều chỉnh các chính sách hợp lý hơn. 

HOÀNG QUÂN

Tin cùng chuyên mục