Xu hướng mua hàng bằng coupon còn khá mới ở Việt Nam nhưng đã phát triển ngày càng rầm rộ bởi đánh vào tâm lý thích hàng rẻ của người Việt, nhất là những sản phẩm có thương hiệu.
Đánh vào tâm lý ham rẻ
Nhiều trang web (trong đó có thể kể đến www.couponskhuyenmai.com.vn, www.icoupon.vn, www.vnsavings.com,…) tự liên hệ với đối tác, thường là các nhà hàng cafe, dịch vụ làm đẹp, shop thời trang, rạp chiếu phim, ca nhạc... đang có nhu cầu quảng bá để phối hợp bán coupon giá rẻ cho khách. Chiết khấu càng nhiều (30%-90%), sức hút khách hàng càng lớn.
Những trang web trung gian này có nhiệm vụ như một đại lý, cung cấp thông tin khuyến mãi của đối tác, giao coupon và thu tiền của khách hàng rồi ăn phần trăm theo thỏa thuận; lợi nhuận tuy nhỏ nhưng ăn nên làm ra nhờ vào lượng khách hàng khổng lồ. Ví dụ, một đơn vị kinh doanh cung cấp chiết khấu 50% cho khách hàng, các trang web chỉ lời 3%-15%, có khi trên dưới 1% nếu coupon có giá trị tương đối lớn.
Mệnh giá coupons cũng rất đa dạng, từ vài ngàn đến cả triệu đồng, tuy nhiên phổ biến và dễ bán nhất là những coupon từ 20.000 đồng đến dưới 200.000 đồng.
Hình thức thanh toán của loại dịch vụ này cũng đa dạng và phong phú. Khách hàng có thể thanh toán bằng tiền mặt trực tiếp, qua Internet Banking, hay nạp tiền vào tài khoản của mình trên các trang trung gian rồi sử dụng dần. Phần lớn hiện nay dịch vụ này thường giao coupon tận nhà nên lượng khách hàng ngày càng đông. Có trang web cho biết bán hơn 1.000 coupon mỗi ngày, và lượng thành viên không ngừng tăng lên.
Miễn phí nhưng phải trả gần 1 triệu đồng
Do tâm lý sính rẻ, lại mua quá dễ dàng, tình trạng háo hức với loại hình mua sắm này đã được cộng đồng mạng ghi nhận. Không ít các thành viên diễn đàn cho biết mỗi ngày phải lên mạng mấy lần để “canh” coupon, thậm chí lập cả hội để rủ mua chung cho vui. Thậm chí có bạn cho biết không thể cưỡng lại chiết khấu giảm 50%-80%, nên đã nhiều lần “oan tiền” khi mua những sản phẩm – dịch vụ không cần thiết.
Là một trong những nạn nhân do “lỡ” dùng phải coupon khuyến mãi dạng này, chị Nguyễn Mai Chi, ngụ tại đường Thích Quảng Đức, quận Phú Nhuận bức xúc kể lại: “Tuần qua khi đi mua sắm, tôi được tặng cho một coupons chăm sóc da trị giá 150.000 đồng của Viện chăm sóc da Aperío. Mặc dù nội dung ghi trên coupon này là quà tặng miễn phí hoàn toàn dịch vụ săn sóc da trong lần đầu tiên.
Tuy nhiên sau khi dùng xong dịch vụ, tôi đã bị các nhân viên tôi tại giữ lại và dùng mọi cách buộc tôi phải mua mỹ phẩm hoặc mua phiếu chăm sóc da có giá trị từ 900.000 đồng đến 7.200.000đồng mới cho tôi về. Thậm chí, họ vẫn không đồng ý khi tôi yêu cầu được trả 300.000 đồng để được ra về. Chính vì thế, để được ra khỏi cửa, tôi buộc lòng phải mua thêm một coupon săn sóc da giá 900.000 đồng!”.
Qua đó cho thấy, mức chiết khấu càng cao, quà tặng càng hấp dẫn thì người mua càng phải thận trọng, không để tâm lý cầu “ảo” của mình dẫn đến tình trạng mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hoặc nhận được những dịch vụ không tương xứng với số tiền bỏ ra.
Trong trường hợp đã quyết định mua sản phẩm, người mua cũng cần cẩn thận xem kỹ một số chi tiết quan trọng trên coupon như hạn sử dụng, điều kiện kèm theo (nếu có) để tránh trường hợp tiền mất tật mang.
Trong mê trận coupon khuyến mãi mang tính cạnh tranh ngày càng cao, người tiêu dùng, đặc biệt là những bạn trẻ đang đứng trước nhiều cơ hội mua sắm những món hàng yêu thích với mức giá rẻ. Nhưng nếu không cẩn thận, chính họ sẽ trở thành nạn nhân của sự ham thích mua sắm.
Lê Na – Lan Hương