Cần Thơ: Hơn 10.600 F0 đang cách ly, điều trị tại nhà

Theo Sở Y tế TP Cần Thơ, từ ngày 20-11, TP Cần Thơ chính thức triển khai điều trị F0 tại nhà. Đến nay, Cần Thơ đã có hơn 11.600 F0 đang điều trị tại nhà.
Cần Thơ: Hơn 10.600 F0 đang cách ly, điều trị tại nhà

Hầu hết các quận huyện đã chuyển khu cách ly tập trung F1 thành khu cách ly, điều trị F0 nhẹ, không triệu chứng, không đủ điều kiện cơ sở vật chất để cách ly tại nhà.

Cần Thơ cũng đã thành lập 62 đội y tế lưu động bổ sung cho các trạm y tế; triển khai mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành hỗ trợ F0 từ xa qua điện thoại”.

Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Việt Nga, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ, trước đây F0 điều trị 3 tầng: 1, 2, 3. Từ ngày 20-11, thành phố có điều chỉnh bệnh nhân tầng 1, không có triệu chứng, triệu chứng nhẹ để cách ly, điều trị tại nhà nhằm giảm áp lực, quá tải bệnh viện và để tập trung điều trị bệnh nhân nặng ở tầng 2, 3. Hiện ở trạm y tế đang điều trị F0 nguy cơ trung bình và nguy cơ thấp.

UBND TP Cần Thơ yêu cầu cán bộ y tế đến nhà F0 để đánh giá điều kiện sức khỏe, cơ sở vật chất, qua đó xác định F0 điều trị tại nhà hay cơ sở y tế. Sau đó cấp thuốc, vận động mua máy đo SpO2 hoặc cho mượn, hướng dẫn dùng thuốc (gói A, B, C), cung cấp số điện thoại nhân viên y tế chăm sóc ca bệnh. Bước 2 là theo dõi sức khỏe hàng ngày, có thể qua điện thoại, công nghệ thông tin để nắm tình hình. Bước 3 cần quan tâm công tác cấp cứu, chuyển viện.

* Đà Nẵng tiếp tục xét nghiệm tầm soát, thí điểm điều trị F0 tại nhà

Ngày 8-12, Đà Nẵng bắt đầu thí điểm điều trị F0 tại nhà, đồng thời triển khai xét nghiệm tầm soát theo hộ gia đình để theo dõi, kiểm soát tình hình dịch Covid-19. Hiện phường Thọ Quang (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) là địa phương duy nhất tại TP Đà Nẵng đã triển khai thí điểm điều trị 5 F0 tại nhà.

Sau 5 ngày thành lập 2 trạm y tế lưu động, theo y sĩ Nguyễn Thị Thùy Linh, Trạm Y tế phường Thọ Quang, việc điều trị F0 tại nhà là cần thiết, bởi nhiều trường hợp không triệu chứng, diễn biến nhẹ, trung bình khoảng 10 ngày là khỏi bệnh. Để thực hiện thí điểm, trước hết, nơi bệnh nhân cách ly, điều trị tại nhà phải tách biệt với khu sinh hoạt chung của gia đình.

Điều dưỡng Phạm Thị Hoa Sinh, Khoa y tế công cộng - dinh dưỡng và an toàn thực phẩm (Trung tâm Y tế quận Sơn Trà) cho biết, cách làm này sẽ giảm tải cho các cơ sở điều trị F0 trên địa bàn cũng như đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Đều đặn, nhân viên y tế sẽ đến đo thân nhiệt, Sp02, hướng dẫn bệnh nhân sử dụng thuốc hạ sốt và phát vitamin C. Khi bệnh nhân có triệu chứng bất thường sẽ liên lạc với trạm y tế lưu động. Nhân viên y tế sẽ theo dõi thông tin F0 tại nhà bằng ứng dụng Danang smart city.

Từ ngày 8 đến 10-12, để xét nghiệm tầm soát Covid-19, bác sĩ Nguyễn Tiên Hồng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng, cho biết, dự kiến sẽ lấy hơn 65.000 mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2. Trong đó, tiếp tục lấy mẫu 30% đại diện hộ gia đình tại các phường, xã có số ca mắc cộng đồng/100.000 dân/tuần từ 50 ca trở lên; 30% người lao động tại các chợ, khu vực cảng cá Thọ Quang; 30% người lao động tại cửa hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống; 100% người đến/về TP Đà Nẵng từ các địa phương khác trong 14 ngày (tính đến ngày 7-12) không thuộc diện cách ly.

Ngày 8-12, quận Liên Chiểu vẫn là địa phương ghi nhận nhiều ca mắc Covid-19 nhất với 74 ca cộng đồng. Do địa bàn là nơi sinh sống của nhiều công nhân, sinh viên ngoại tỉnh, ngành y tế ưu tiên lấy mẫu xét nghiệm tất cả trường hợp, nhất là đối tượng có tính chất công việc di chuyển nhiều, liên quan đến ca mắc Covid-19, trừ trường hợp đã xét nghiệm trong 72 giờ.

Tin cùng chuyên mục