Cẩn trọng với gần 16 triệu tấn tro, xỉ thải từ nhiệt điện than
SGGPO
Tại Hội thảo “Phát triển nhiệt điện than và các giải pháp bảo vệ môi trường ở Việt Nam” diễn ra 29-8, một số diễn giả cho rằng, việc khai thác một số loại năng lượng để phục vụ sản xuất điện đã đạt tới hạn.
Theo TS. Trần Văn Lượng, Cục Kiểm tra An toàn và Môi trường Công nghiệp, Bộ Công Thương, trong khi việc phát triển điện hạt nhân tạm dừng thì các loại năng lượng tái tạo khác (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối) có chi phí đầu tư lớn và phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên (số giờ vận hành thấp trung bình 1.800 - 2.000 giờ/năm), chiếm dụng diện tích lớn (trung bình 1 MW điện mặt trời chiếm mất 1,2 - 1,5 ha)…
Do vậy, để đảm bảo an ninh năng lượng, đáp ứng nhu cầu cấp điện ổn định phục vụ sản xuất và tiêu dùng, TS. Trần Văn Lượng cho rằng việc phát triển nhiệt điện than cần được quan tâm đúng mức.
“Phát triển nhiệt điện than luôn kèm với những thách thức về bảo vệ môi trường, chủ yếu là xử lý khí thải và tro, xỉ của nhà máy", TS. Trần Văn Lượng cũng nhấn mạnh.
Chia sẻ về quan điểm trên, PGS.TS Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Nhiệt Việt Nam nhận định, trong thời kỳ phát triển mạnh kinh tế, nhu cầu điện năng rất cao thì nhiệt điện than vẫn là chủ đạo.
Trên thế giới, Trung Quốc là nước có tỷ lệ nhiệt điện than rất cao (79% so với mức trung bình toàn thế giới là 41,2%). Riêng sản lượng điện từ nhiệt điện than của Trung Quốc đã lên tới 4.600 tỷ kWh (lớn hơn tổng sản lượng điện của nước Mỹ).
Một số nước khác có tỷ lệ nhiệt điện than cũng rất lớn là Mông Cổ (95,1%), Nam Phi (93,8%), Ba Lan (86,7%), Úc (68,%), Ấn Độ (67,8%), Israel (59%), Đức (45%), Hàn Quốc 43,2%...
Việt Nam hiện có 21 nhà máy nhiệt điện than đang hoạt động, với tổng công suất lắp đặt khoảng 14.310MW, lượng nhiên liệu tiêu thụ khoảng 40 triệu tấn than/năm sẽ phát sinh lượng tro, xỉ thải mỗi năm khoảng 15,8 triệu tấn.
Tại Việt Nam, theo ông Trương Duy Nghĩa, sau khi quyết định dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, nhiều khả năng nhu cầu điện năng sẽ được thay thế bằng nhiệt điện than, nghĩa là tới năm 2030 tỷ lệ nhiệt điện than về cơ học có thể tới 59 - 60%. Thừa nhận nhiệt điện đốt than sản sinh ra nhiều chất thải nguy hại, song nhà khoa học này cho rằng có thể xử lý được bằng công nghệ hiện đại.
Lý giải về thông tin Trung Quốc tuyên bố từ nay đến 2025 sẽ đóng cửa 103 nhà máy nhiệt điện than, PGS.TS Trương Duy Nghĩa khẳng định: "Không ai bỏ ra tiền tỷ USD để đầu tư nhà máy nhiệt điện than rồi đóng cửa. Các nhà máy điện mà Chính phủ Trung Quốc tuyên bố sẽ đóng cửa đều là các nhà máy điện hết niên hạn sử dụng (niên hạn sử dụng của nhà máy nhiệt điện than trung bình khoảng 30 năm).