Tuy nhiên, nếu không tỉnh táo và có những giải pháp dung hòa hợp lý, hình thức xã hội hóa sẽ nảy sinh nhiều bất cập, gây ảnh hưởng quyền được học tập bình đẳng của tất cả học sinh.
Dễ mâu thuẫn quyền lợi
Mới đây, tập thể phụ huynh lớp 1 Trường Tiểu học V.T.S. (quận 7) đã có đơn kiến nghị ban giám hiệu xem lại phân bổ lớp học khi có một số lớp 1 được xếp học ở lầu 3 (tầng trên cùng của dãy phòng học), trong khi các khối lớp lớn hơn được học ở tầng trệt. Qua tìm hiểu, do một số phòng học ở tầng trệt đã được phụ huynh các năm trước đầu tư trang thiết bị cho con theo học với cam kết được sử dụng trong vòng 5 năm. Sau khi nhận được phản ánh của phụ huynh, đại diện nhà trường cho biết sẽ tiến hành sắp xếp lại phòng học, không để học sinh lớp 1 học ở tầng trên cùng gây bất lợi cho việc di chuyển và sinh hoạt của các em. Câu chuyện nhỏ nhưng từ đây cũng đặt ra bài toán mâu thuẫn về quyền lợi giữa học sinh trong cùng đơn vị công lập.
Thực tế hiện nay ở nhiều trường tiểu học, sàn gỗ, rèm cửa, máy lạnh giữa các lớp học có chất lượng rất khác nhau. Chị Thu Trang, phụ huynh có con năm nay học lớp 2 một trường tiểu học ở quận Gò Vấp, cho biết, cứ mỗi đầu năm học, ban đại diện cha mẹ học sinh các lớp lại “nhìn” nhau. Một lớp xin lót sàn gỗ, thay rèm cửa thì lớp kế bên cũng đề xuất xin theo. Vô hình trung, cuộc đua cải tạo cơ sở vật chất trở thành gánh nặng đối với một bộ phận không nhỏ phụ huynh vào mỗi đầu năm học.
Trong khi đó, mô hình xây dựng trường tiên tiến, hiện đại theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế (học phí được thu thêm tối đa 1,5 triệu đồng/tháng/học sinh) được triển khai 2 năm qua tại TPHCM bước đầu phát huy nhiều hiệu quả tích cực, như sĩ số học sinh/lớp ít, học sinh được học trong môi trường giao tiếp ngoại ngữ, tăng cường rèn luyện kỹ năng sống. Tuy nhiên, trước áp lực gia tăng dân số cơ học hàng năm, việc duy trì trường theo mô hình tiên tiến sẽ tạo thêm gánh nặng tuyển sinh đầu cấp cho các trường công lập, tước đi quyền được học tập bình đẳng của những trẻ có hộ khẩu trên cùng địa bàn. Dù UBND TPHCM đã có chủ trương mỗi quận, huyện phấn đấu có một trường theo mô hình tiên tiến ở mỗi cấp học nhưng thực tế nhiều nơi cho thấy chưa thể mạnh dạn triển khai.
Tránh xã hội hóa theo kiểu cào bằng
Nhiều năm trở lại đây, không thể phủ nhận vai trò quan trọng của xã hội hóa trong cải tạo cơ sở vật chất trường lớp, bổ sung trang thiết bị dạy học theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm (như gắn màn hình đa chức năng, bảng tương tác, phòng học ngoại ngữ…), hỗ trợ trả lương cho đội ngũ lao động không có hoặc có nhưng không đủ biên chế, không thể trả lương từ ngân sách nhà nước (như giám thị, giáo viên tư vấn tâm lý, giáo viên năng khiếu, giáo viên tiếng Anh bậc tiểu học, nhân viên phục vụ, bảo vệ…).
Tuy nhiên, theo ông Trần Trung Mậu, Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức TP (Sở GD-ĐT TPHCM), cấp quản lý cần có thêm hướng dẫn để các đơn vị thực hiện tốt hơn nữa nguồn thu xã hội hóa, đảm bảo sự công khai, minh bạch, không để xảy ra tình trạng lạm thu mỗi đầu năm học, làm xấu đi mối quan hệ giữa nhà trường với phụ huynh. Trong đó, cần biểu dương những cách làm tốt, vận động tài trợ từ nhiều nguồn lực khác nhau trong xã hội như doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ, hội cựu học sinh…
Theo ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, ngoài khoản thu học phí, trường học hiện nay được thu thêm tiền thu hộ, chi hộ (may đồng phục học sinh, trang bị thẻ đeo tên, giấy in, dụng cụ học tập…) và khoản thu theo thỏa thuận để cung cấp suất ăn cho học sinh. Các khoản thu này được thực hiện đồng đều với tất cả học sinh. Bên cạnh đó, còn một khoản thu theo hình thức tài trợ, được thực hiện không bắt buộc.
Tài trợ cho giáo dục phải đảm bảo nguyên tắc tài trợ để tăng cường cơ sở vật chất trường lớp, hỗ trợ hoạt động dạy học, hoạt động giáo dục tại đơn vị. Cơ sở giáo dục không được coi huy động tài trợ là điều kiện cho việc cung cấp dịch vụ và không quy định mức tài trợ cụ thể đối với phụ huynh. “Mỗi đầu năm học, Sở GD-ĐT đều phối hợp với Sở Tài chính đi kiểm tra, giám sát, nhắc nhở các trường không được lạm thu, gây bức xúc cho phụ huynh”, đại diện Sở GD-ĐT TPHCM cho biết.