
Từ nhiều năm nay, nạn bơm chích tạp chất vào thủy sản luôn là chuyện “biết rồi, nói mãi”. Bộ Thủy sản có những giải pháp như thế nào để thực sự hạn chế và chấm dứt vấn nạn này? PV Báo SGGP đã trao đổi với Thứ trưởng Bộ Thủy sản Nguyễn Thị Hồng Minh xung quanh vấn đề nêu trên.
° PV: Thưa Thứ trưởng, cứ vào thời điểm đầu năm, khi nguồn nguyên liệu thủy sản khan hiếm thì cũng là lúc các cơ sở và đối tượng bơm chích tạp chất ở ĐBSCL hoạt động tinh vi và ráo riết hơn do có một số doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản dung túng thông qua buông lỏng quản lý…
° Thứ trưởng NGUYỄN THỊ HỒNG MINH: Đây là một vòng lẩn quẩn. Nhiều doanh nghiệp tham gia hiệp hội và xác định không thu mua nguyên liệu có nhiễm tạp chất. Thế nhưng sau đó, một vài doanh nghiệp vẫn thu mua loại nguyên liệu kém chất lượng. Bởi các doanh nghiệp thường cho rằng, nếu họ không mua thì doanh nghiệp khác vẫn mua.

Thứ trưởng Bộ Thủy sản Nguyễn Thị Hồng Minh.
Mặt khác, họ đã ký hợp đồng với các đối tác tiêu thụ và người thu gom. Đồng thời, nếu không thu mua thì không có nguyên liệu để chế biến, không có việc làm, công nhân bỏ đi nơi khác, khách hàng cũng bỏ rơi. Bởi vậy, nhiều doanh nghiệp thừa nhận họ đang vừa là nạn nhân lại vừa là tòng phạm.
Bộ Thủy sản rất bức xúc về thực trạng này. Để đưa ra những giải pháp dài hơi cho nhiều năm cũng như giải pháp trước mắt cho năm 2006, cuối tháng 3-2006, chúng tôi sẽ tổ chức một hội nghị quan trọng về tình hình này tại ĐBSCL, cùng các chính quyền địa phương, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cũng như một số cơ quan chức năng thống nhất chương trình hành động, bàn thảo nội dung đổi mới cung cách quản lý và tìm kiếm những giải pháp mạnh nhằm kiểm soát, ngăn chặn có hiệu quả, xử lý triệt để tệ nạn bơm chích tạp chất vào thủy sản.
° Nhiều ý kiến cho rằng trong việc kiểm soát, ngăn chặn tệ nạn bơm chích tạp chất, hiện nay chúng ta mới chỉ bắt đầu từ cửa các nhà máy chế biến. Như vậy là chưa tiêu trừ tận gốc gồm các đại lý, nậu vựa, thương lái thu gom-những thủ phạm chính của nạn bơm chích tạp chất…
° Mới đây, chúng tôi đã có những cuộc khảo sát tại ĐBSCL về tình trạng bơm chích tạp chất vào nguyên liệu thủy sản. Phải khẳng định rằng đây là tình trạng đang rất nhức nhối và hiện nay vẫn đang tiếp tục âm thầm diễn ra. Nhiều nơi như ở Cà Mau, Sóc Trăng, các cơ sở ngâm, bơm hóa chất vào tôm, mực tới mức sau đó không có cách gì để loại hóa chất ra khỏi nguyên liệu.
Bởi vậy, đã đến lúc công luận cần phải nói thẳng, nói thật về thực trạng này, đưa ra ánh sáng để tìm giải pháp ngăn chặn hữu hiệu, nhằm bảo vệ và duy trì uy tín của các sản phẩm thủy sản Việt Nam. Trong đó, chủ trương, kế hoạch sắp tới của Bộ Thủy sản là không chỉ tiến hành ngăn chặn, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ nguồn nguyên liệu nhập vào cửa các nhà máy chế biến, mà còn tăng cường cho các địa phương kiểm tra, ngăn chặn cũng như xử lý vi phạm đối với các chủ nậu vựa, thương lái thu gom tại ĐBSCL.
Hiện nay một số địa phương như Cà Mau, Sóc Trăng đã làm rất sốt sắng việc kiểm soát tạp chất ngay từ cơ sở. Họ đã đưa ra các giải pháp mạnh như triển khai, vận động đến tận chi bộ, chính quyền, đoàn thể ở địa phương tham gia chống lại tệ nạn bơm chích tạp chất. Thậm chí, nhiều nơi thuộc vùng trọng điểm còn đưa cả việc loại trừ bơm chích tạp chất vào tiêu chí “làng văn hóa”.
° Tuy nhiên, nhiều địa phương hiện cho rằng, từ khi áp dụng Nghị định 128/CP ngày 11-10-2005 thay cho Nghị định 70/CP ngày 17-6-2003, thì tình trạng bơm chích tạp chất lại càng tinh vi và mạnh mẽ hơn, do mức xử lý vi phạm trong quy định mới nhẹ hơn. Cụ thể, chế tài xử phạt hiện chỉ từ 1-3 triệu đồng. Vậy thời gian tới, Bộ Thủy sản có triển khai sửa và bổ sung thêm chế tài xử lý?
° Đúng là Nghị định 128/CP có mức xử lý vi phạm nhẹ hơn quy định cũ. Bởi vậy, mặc dù trong thời gian qua, nhiều địa phương ở ĐBSCL đã làm rất gắt gao, tích cực, nhưng việc áp dụng các mức phạt này chưa đủ sức răn đe và ngăn chặn các đối tượng lén lút bơm chích tạp chất vào thủy sản, trong khi lợi nhuận từ việc bơm chích tạp chất lại rất lớn. Hiện các địa phương đang đề nghị sửa đổi lại nghị định và Bộ Thủy sản cũng đang chuẩn bị kế hoạch họp với các bộ để sửa đổi với tiêu chí nâng mức xử lý vi phạm nặng hơn nữa.
° Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Văn Phúc