Cần và đủ!

Tại hội nghị triển khai công tác thực hành nghiệp vụ sư phạm theo học chế tín chỉ do Sở GD-ĐT TPHCM phối hợp cùng Trường ĐH Sư phạm TPHCM tổ chức, đa số ý kiến đều đồng tình ủng hộ việc kéo dài thời gian thực tập cho sinh viên sư phạm. Theo đó, thời gian thực tập cho sinh viên năm cuối từ 8-10 tuần như trước đây sẽ được tăng lên 12 tuần, kéo dài từ tháng 2-2014 đến hết tháng 5-2014. Riêng đối với sinh viên năm 3 chuyên ngành sư phạm sẽ có thêm 15 tuần rèn luyện nghiệp vụ sư phạm, bao gồm các công việc tìm hiểu thực tế ở trường phổ thông, dự giờ tiết học mẫu của giáo viên, xây dựng kế hoạch và thiết lập hồ sơ chủ nhiệm, biên soạn 2 giáo án mẫu nộp giáo viên hướng dẫn chấm điểm. Đây được xem là một trong những nỗ lực của đơn vị đào tạo nhằm tạo điều kiện cho sinh viên năm cuối có thêm cơ hội được cọ xát, làm quen với một số kỹ năng nghiệp vụ cơ bản của chuyên ngành sư phạm.

Tại hội nghị triển khai công tác thực hành nghiệp vụ sư phạm theo học chế tín chỉ do Sở GD-ĐT TPHCM phối hợp cùng Trường ĐH Sư phạm TPHCM tổ chức, đa số ý kiến đều đồng tình ủng hộ việc kéo dài thời gian thực tập cho sinh viên sư phạm. Theo đó, thời gian thực tập cho sinh viên năm cuối từ 8-10 tuần như trước đây sẽ được tăng lên 12 tuần, kéo dài từ tháng 2-2014 đến hết tháng 5-2014. Riêng đối với sinh viên năm 3 chuyên ngành sư phạm sẽ có thêm 15 tuần rèn luyện nghiệp vụ sư phạm, bao gồm các công việc tìm hiểu thực tế ở trường phổ thông, dự giờ tiết học mẫu của giáo viên, xây dựng kế hoạch và thiết lập hồ sơ chủ nhiệm, biên soạn 2 giáo án mẫu nộp giáo viên hướng dẫn chấm điểm. Đây được xem là một trong những nỗ lực của đơn vị đào tạo nhằm tạo điều kiện cho sinh viên năm cuối có thêm cơ hội được cọ xát, làm quen với một số kỹ năng nghiệp vụ cơ bản của chuyên ngành sư phạm.

Trong vai trò là một trong những đơn vị tiếp nhận sinh viên thực tập sư phạm, ông Nguyễn Tấn Sĩ, Phó hiệu trưởng Trường THPT Lương Văn Can (quận 8) cho biết, với thời gian thực tập 8 tuần như trước đây, sinh viên sư phạm chủ yếu chỉ có thời gian làm quen với công tác chủ nhiệm và giảng dạy trên lớp. Ngoài ra, một số kỹ năng cơ bản khác đòi hỏi cần có ở người giáo viên như viết các loại sổ đầu bài, sổ học bạ, đánh giá thi đua tập thể lớp, xếp bậc hạnh kiểm học sinh, phối hợp giữa các đoàn thể, tổ chức trong nhà trường, xây dựng thói quen giáo dục hành vi đạo đức cho học sinh, sinh viên đều còn thiếu và yếu. Do đó, kéo dài thời gian thực tập sư phạm chính là một trong những biện pháp giúp sinh viên có thêm thời gian xâm nhập thực tế, tránh cảm giác bỡ ngỡ, lúng túng khi hòa nhập với các hoạt động ở nhà trường. Lý giải thêm, ông Trần Văn Châu, Phó trưởng phòng Đào tạo, ĐH Sư phạm TPHCM, cho biết: “Sinh viên thực tập sư phạm cũng giống như đi học nghề, yêu cầu của phía đơn vị đào tạo là phải nắm được toàn bộ những kỹ năng, kiến thức cần có của một người giáo viên ở cơ sở. Trước đây, thời gian thực tập quá ngắn khiến các em chưa có điều kiện trau dồi và phát triển các kỹ năng bền vững”.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Kim Dung, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD-ĐT TPHCM, kéo dài thời gian thực tập thôi chưa đủ, sinh viên cần có thêm sự chuẩn bị ở khâu đào tạo từ phía nhà trường. Trong đó, việc thường xuyên cập nhật các kiến thức, chủ trương đổi mới của ngành cũng hết sức quan trọng. Đơn cử như trong thực tế, các trường mầm non đã bỏ việc giảng dạy theo từng phân môn mà tiến hành dạy theo chủ điểm, tích hợp kiến thức của nhiều môn. Song chương trình đào tạo ở trường đại học vẫn theo từng phân môn riêng rẽ, thiếu tính thực tiễn khiến sinh viên lúng túng khi ứng dụng lý thuyết vào thực tế giảng dạy. Bên cạnh đó, một bất cập nữa hiện nay là những trường được chọn cho sinh viên thực tập đều là những trường lớn có cơ sở vật chất tốt, trình độ học sinh đồng đều. Sau thời gian thực tập, các em lại được phân công về các trường nhỏ, các điểm lẻ, cơ sở vật chất tồi tàn sẽ dễ tạo ra tâm lý chán nản, dẫn đến tình trạng bỏ nghề của nhiều giáo viên. Đó là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ra trường cao nhưng thiếu giáo viên vẫn là bài toán kéo dài nhiều năm qua của ngành giáo dục.

Qua đó cho thấy, kéo dài thời gian thực tập sư phạm mới là yếu tố cần. Để việc thực tập cho sinh viên sư phạm mang lại nhiều hiệu quả, cần phải thường xuyên có sự đổi mới chương trình, bám sát thực tế đào tạo ở từng địa phương, kết hợp với việc mở rộng đối tượng cơ sở được chọn làm nơi thực tập, mở rộng cả nhóm đối tượng trường ở vùng ven, ngoại thành. Chỉ khi làm được như thế, thực tập sư phạm mới mang lại hiệu quả như mong đợi.

THANH THU

Tin cùng chuyên mục