* PHÓNG VIÊN: Ông có đồng tình với những đề xuất của Bộ GD-ĐT?
- TS PHẠM TẤT THẮNG: Để cải thiện lương GV, trước đây chúng ta có cách làm mang tính thời điểm, đó là tính phụ cấp vượt giờ, phụ cấp thâm niên cho GV để tạo thu nhập tăng thêm. Nhưng khi nhiều luật chuyên ngành khác ra đời cũng có những phụ cấp đặc thù cho các công chức viên chức khác, thực tế là ngành nào cũng có phụ cấp cả, nên thu nhập của GV trên nền lương cơ bản là thấp so với mặt bằng chung. Cái này chỉ có thể giải quyết căn cơ với việc xây dựng một thang bảng lương riêng cho đội ngũ GV, không nằm trong hệ thống thang bảng lương chung của hệ thống công chức viên chức.
Điều này Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng đã bàn với Chính phủ từ nhiệm kỳ trước. Theo đó phải giải quyết căn cơ việc này bằng cách xây dựng Luật Nhà giáo, trong đó quy định trong luật là GV phải có thang bảng lương riêng.
Với việc miễn học phí cho cấp học THCS hệ công lập, thực ra Luật Giáo dục của chúng ta quy định cấp THCS là cấp phổ cập. Nhưng đó là một quy định hình thức vì chúng ta chưa có giải pháp cụ thể để thực hiện nội dung đó. Đến thời điểm này, khi sửa Luật Giáo dục thì đặt nội dung này vào luật, tôi cũng cho là phù hợp. Tức là chúng ta thực hiện một quy định đã được luật hóa trước đây, nhưng nay mới có giải pháp cụ thể. Đây là 2 nội dung không có gì mới, vì lẽ ra phải làm từ lâu rồi.
Vấn đề thứ nữa mà xã hội đang quan tâm là nâng chuẩn trình độ đào tạo của GV tiểu học lên cao đẳng. Trước đây chúng ta quy định chuẩn đào tạo của GV mầm non và tiểu học là trung cấp nên mới có tình trạng vừa qua mà xã hội bức xúc. Đó là có những GV mầm non sau 30 năm làm việc mà khi nghỉ có mức lương hưu rất thấp, chỉ khoảng 1 triệu đồng. Bậc lương của trình độ trung cấp rất dài, nhiều bậc, nên để phấn đấu hết được các bậc lương là điều bất khả thi, kể cả với những người dạy học cả đời chăng nữa. Vì vậy nâng chuẩn đào tạo cao đẳng đối với GV tiểu học cũng là để giải quyết bài toán lương cho GV mầm non.
* Ai cũng đồng ý là cần tăng lương cho GV, miễn học phí cho học sinh THCS. Nhưng vấn đề là lấy đâu ra nguồn lực để thực hiện?
- Đây là câu hỏi thực tế nhưng khó trả lời. Vì trong bối cảnh hiện nay, ngân sách đang khó khăn, nợ công thì cao, chúng ta đang phải co kéo. Năm 2016, khi nâng lương cơ bản đã là một tính toán rất khó khăn, thậm chí Chính phủ đề xuất lùi việc tăng lương nhưng Quốc hội không đồng ý mà buộc phải thực hiện lộ trình tăng lương cơ bản.
Thế nhưng, nếu bây giờ việc gì chúng ta cũng đặt là khó thì chắc sẽ không làm được việc gì cả. Những việc cần thì chúng ta vẫn phải làm, ví dụ như tăng lương cho GV, miễn học phí THCS. Vì đó đã là chủ trương của Đảng, thể hiện trong luật từ lâu nhưng không có giải pháp cụ thể để thực hiện. Phải đặt vấn đề trong luật và tìm giải pháp để tháo gỡ. Có thể không đạt mong muốn 100% ngay từ đầu nhưng có thể chọn địa bàn, đối tượng và đề ra lộ trình thì hoàn toàn có cơ sở để thực hiện.
* Xin cảm ơn ông!