Theo phân tích của chủ đầu tư, chỉ cần xảy ra bất cứ sự cố nào đều dẫn đến hậu quả nặng nề cho người đi đường, chẳng hạn thiết kế cầu chỉ 1 trụ tháp, cầu dây văng không được tính toán tồn tại ở trạng thái chưa hoàn thành trong thời gian dài.
Từ tháng 9-2020, dự án cầu Thủ Thiêm 2 ngừng thi công, nguyên nhân do vướng phần đất 13.000m² - vấn đề bồi thường toàn bộ khu đất này vẫn chưa đạt được thỏa thuận. Như vậy, dự án cầu Thủ Thiêm 2 dở dang kéo dài không chỉ đối mặt với nguy cơ gây rủi ro cho người đi đường mà còn làm tổn thất rất lớn tài sản nhà nước. Bởi nếu mỗi ngày ngưng thi công, TP sẽ phải trả lãi gần 1 tỷ đồng.
Đây chỉ là một trong rất nhiều công trình hạ tầng đang thi công tại TP mà công tác GPMB ì ạch đã trở thành rào cản lớn kiềm hãm sự phát triển của TPHCM. Theo báo cáo của Ban quản lý Đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TPHCM tại buổi giám sát của HĐND TPHCM mới đây, trong 75 dự án đang quản lý thì có 28 dự án đang đợi mặt bằng, 29 dự án đang thi công nhưng vẫn còn vướng mặt bằng. Hầu như các dự án trọng điểm đều bị ngưng trệ vì lý do này. Trong 4 đường vành đai, thì chỉ có đường vành đai 2 gần khép kín, tuy nhiên từ đoạn đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa có chiều dài 2,75km, khởi công năm 2017 đến nay mới chỉ đạt khoảng 60% vì không có mặt bằng thi công. Hiện nay nhiều hạng mục thi công dang dở của công trình nằm “phơi nắng, phơi mưa”…,7 cây cầu kết nối quan trọng tại các địa phương cũng bị vướng mặt bằng. Cá biệt có cây cầu 10 năm GPMB chưa xong, như cầu Công Lý thuộc TP Thủ Đức.
Theo lãnh đạo Sở GTVT TPHCM, hiện mỗi thông tin tích cực về quy hoạch sẽ làm tăng giá bất động sản. Trong bối cảnh đó, công tác GPMB càng trở nên khó. Giá nhà đất leo thang làm cho giá đền bù trở nên lạc hậu, người dân khó lòng chấp nhận mức giá này. Còn ngành chức năng lại phải loay hoay vừa làm thủ tục điều chỉnh lại giá đền bù (nếu được phép) vừa làm lại công tác vận động người dân. Đặc biệt, GPMB chậm sẽ kéo rê dự án, khiến vốn đầu tư đội lên nhiều lần! Vòng lẩn quẩn này như vòng kim cô, kìm hãm TP vươn lên.
Hy vọng bài toán này sẽ sớm được tháo gỡ, bởi thời gian qua, Trung ương đã ban hành nhiều quyết sách cho TP, trong đó có công tác GPMB. Năm 2020 Chính phủ ban hành Nghị quyết số 27 cho phép TP áp dụng thí điểm cơ chế, quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất. Đây là “chiếc đũa thần” tạo đột phá để đẩy nhanh các dự án đầu tư hạ tầng đang bế tắc trong khâu GPMB. Người dân bị ảnh hưởng bởi dự án mong mỏi TP khẩn trương triển khai và vận dụng các chính sách đền bù mới, có lợi cho người bị ảnh hưởng bởi dự án. Từ đó sẽ giúp người dân sớm ổn định cuộc sống, đồng thời thúc đẩy các công trình hạ tầng khẩn trương đi vào hoạt động. Làm được điều này sẽ nhanh chóng thúc đẩy hoạt động kinh tế của TPHCM vượt qua dịch Covid-19, hướng đến phát triển bền vững.