Cạnh tranh điện toán đám mây ở Đông Nam Á

Các công ty điện toán đám mây của Mỹ đang phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các đối thủ mới nổi của Trung Quốc ở Đông Nam Á, mở ra cơ hội tăng trưởng mạnh của ngành này tại khu vực.
Tập đoàn Huawei khai trương trung tâm dữ liệu tại Indonesia
Tập đoàn Huawei khai trương trung tâm dữ liệu tại Indonesia

Các công ty Trung Quốc đã thâm nhập các thị trường mới nổi về điện toán đám mây như Thái Lan, Indonesia trước các đối thủ Mỹ và cung cấp các sản phẩm có giá thấp hơn để cạnh tranh.

Theo báo Wall Street Journal, ở Đông Nam Á, các công ty từ Trung Quốc như Alibaba, Tencent và Huawei đã vượt qua các đối tác Mỹ như Amazon Web Services (AWS), Microsoft Azure hoặc Google Cloud của Alphabet về lượng khách hàng. Dữ liệu từ Gartner cho thấy trong phân khúc dịch vụ cơ sở hạ tầng đám mây, các công ty Trung Quốc đã vượt qua Google về thị phần tại Thái Lan.

Đây là ví dụ mới nhất về cách các công ty công nghệ Trung Quốc ngày càng hướng ra nước ngoài. Điều này đang gây áp lực cho các đối thủ Mỹ tại một số thị trường mới. Đông Nam Á là thị trường ưu tiên của nhiều công ty Trung Quốc, trong đó có các công ty điện toán đám mây, vì họ nhìn thấy cơ hội sinh lời tốt hơn so với thị trường truyền thống như Mỹ và châu Âu, nơi các công ty công nghệ Trung Quốc phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ hơn.

Alibaba Cloud, nhà cung cấp dịch vụ đám mây lớn nhất Trung Quốc, vào tháng 9-2022 đã cam kết khoản đầu tư mới trị giá 1 tỷ USD để hỗ trợ các đối tác toàn cầu của mình trong 3 năm tới. Tháng 1-2023, nhánh điện toán đám mây của Alibaba cũng đã thành lập trụ sở kinh doanh quốc tế tại Singapore, trong khi công ty mẹ Alibaba vẫn đặt trụ sở tại Hàng Châu, Trung Quốc.

Huawei đang cung cấp dịch vụ đám mây cho các cơ quan chính phủ ở Thái Lan và các dự án thành phố thông minh và chính phủ kỹ thuật số ở Malaysia. Công ty cho biết sẽ đầu tư 300 triệu USD để phát triển cơ sở hạ tầng đám mây ở Indonesia. Khi Astra Financial, công ty dịch vụ tài chính bán lẻ của Indonesia, cân nhắc chuyển các ứng dụng sang đám mây vào năm 2019, Alibaba là nhà cung cấp dịch vụ đám mây duy nhất có trung tâm dữ liệu tại quốc gia này.

Theo ông Daniel Gunawan, giám đốc công nghệ thông tin tại Astra Financial, các công ty đám mây Trung Quốc thường đưa ra mức giá thấp hơn từ 20% đến 40% so với các công ty Mỹ ở nhiều sản phẩm khác nhau. Khoản chiết khấu đó, mặc dù sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận, đã giúp các công ty Trung Quốc mở rộng ở Đông Nam Á, nơi có nhiều khách hàng là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, các công ty Mỹ đã bắt đầu đầu tư nhiều hơn vào Đông Nam Á. Phía Google ra mắt trung tâm dữ liệu đầu tiên tại Indonesia vào năm 2020, tiếp theo là AWS một năm sau đó. AWS cho biết họ sẽ đầu tư 5 tỷ USD cho mỗi nước Thái Lan và Indonesia trong hơn 15 năm để tăng cường các trung tâm dữ liệu và cơ sở hạ tầng đám mây. Kể từ mùa hè năm 2022, Google Cloud đã triển khai kế hoạch xây dựng các trung tâm dữ liệu ở Malaysia và Thái Lan, đồng thời hỗ trợ các dự án số hóa của chính phủ ở Singapore và Indonesia.

Theo bà Jessie Tung, đồng sáng lập Twimbit, một công ty nghiên cứu có trụ sở tại Singapore tập trung vào lĩnh vực đám mây của Đông Nam Á, mặc dù vị trí dẫn đầu của các công ty Mỹ trong khu vực sẽ không bị lật đổ nhanh chóng, nhưng các công ty Trung Quốc sẽ ở lại lâu dài thông qua việc đầu tư đào tạo tài năng địa phương để họ làm quen với cơ sở hạ tầng công nghệ và hệ sinh thái của Trung Quốc.

Tin cùng chuyên mục