“Cát tặc” vẫn nóng bỏng

Phần lớn các đối tượng chủ mưu, cầm đầu băng nhóm bảo kê không còn hoạt động công khai, trắng trợn như truớc. 
Ngày 2-6, tại Hà Nội, Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an đã tổ chức hội nghị chuyên đề với các tỉnh, thành trọng điểm về “Cao điểm đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, kinh doanh cát, sỏi”.
Theo đó, qua 2 tháng thực hiện đợt cao điểm về đấu tranh phòng chống tội phạm khai thác cát, sỏi trái phép, công an các địa phương đã bắt giữ, xử lý hơn 840 vụ khai thác cát trái phép. Xử phạt hành chính trên 10 tỷ đồng, tịch thu 26 tàu, thuyền hút cát.
Phần lớn các đối tượng chủ mưu, cầm đầu băng nhóm bảo kê không còn hoạt động công khai, trắng trợn như truớc. Các hoạt động khai thác dưới danh nghĩa dự án nạo vét luồng lạch, tận thu sản phẩm hầu hết đều đã dừng hoạt động. 
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Trung tướng Đỗ Kim Tuyến, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Cảnh sát đánh giá cao sự nỗ lực của Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường và công an các địa phương trong cả nước trong công tác phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khai thác cát, sỏi.
Đồng thời yêu cầu các đơn vị chức năng, công an các địa phương cần tiếp tục rà soát, điều tra cơ bản về diễn biến vi phạm “cát tặc”; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khai thác cát, sỏi.
Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường, Tổng cục Cảnh sát cho biết, tính đến đầu năm 2016 đã có 707 giấy phép thăm dò, 755 giấy phép khai thác cát, sỏi lòng sông được 61 tỉnh, thành phố cấp phép. Bên cạnh đó, từ cuối năm 2013 đến hết năm 2016 có 90 dự án nạo vét, khơi thông luồng hàng hải, luồng đường thủy nội địa trên địa bàn 30 tỉnh, thành.
Mặc dù có giấy phép khai thác nhưng các tổ chức, cá nhân đều có các vi phạm chủ yếu như: không thực hiện đầy đủ thủ tục về đánh giá tác động môi trường; không ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường; không thực hiện đầy đủ phương án đảm bảo an toàn giao thông; khai thác vượt quá khối lượng và số lượng phương tiện cho phép...
Đặc biệt, tại các khu vực giáp ranh chưa xác định được địa giới hành chính trên sông hoặc xác định chưa rõ ràng. Các công ty được cấp phép khai thác cát trên địa bàn tỉnh này lại đứng ra tổ chức cho phương tiện khai thác cát trái phép trên sông thuộc địa phận khác; các đơn vị thi công nạo vét luồng lạch lợi dụng giấy phép để khai thác cát ngoài khu vực, vi phạm độ sâu, thực hiện không đúng đề án.
Hoạt động khai thác cát trái phép, hiện vẫn diễn ra tại các địa bàn giáp ranh tại một số tỉnh, thành, nhất là trên các sông Hồng, sông Đà, sông Lô, sông Cầu, Trà Lý, Đò Lèn, sông Lam, Trà Khúc, sông Hương, sông Hàn, sông Đồng Nai, sông Sài Gòn, sông Tiền, sông Hậu…
Trong quá trình hoạt động, các đối tượng khai thác cát trái phép rất manh động, sẵn sàng dùng bạo lực đe dọa, tranh giành địa bàn, nhân công và phương tiện để khai thác trái phép và đối phó với các cơ quan chức năng. 
Cơ quan công an tại nhiều địa phương cũng cho rằng, sau khi các đơn vị được Cục Đường thủy nội địa cấp phép bị yêu cầu dừng hoạt động đã đẩy giá cát lên cao, việc này cũng khiến cho hoạt động “cát tặc” nóng bỏng. 
Ngày 2-6, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh Hòa Bình, Vĩnh Long, An Giang, Khánh Hòa chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng khẩn trương điều tra, xác minh làm rõ nội dung phản ánh của báo chí về tình trạng khai thác cát vẫn diễn biến phức tạp, gây sạt lở sông, sạt lở đất, làm ô nhiễm môi trường, gây thiệt hại đến diện tích sản xuất, nuôi trồng thủy sản của các hộ dân; một số doanh nghiệp khai thác ngoài phạm vi được cấp phép, khai thác bất kể ngày đêm. Kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trước 30-6. 

Tin cùng chuyên mục