Câu hỏi từ những con số đau lòng

Theo số liệu của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong 7 ngày nghỉ Tết Canh Tý 2020 (từ 29 đến mùng 5 Tết), cả nước đã xảy ra 198 vụ tai nạn giao thông, làm 133 người chết, 174 người bị thương. 

Như vậy, trong dịp tết, bình quân mỗi ngày có 19 người chết và 25 người bị thương vì tai nạn giao thông.

So với cùng kỳ tết năm trước, tết năm nay tình hình tai nạn giao thông giảm 10% về số vụ, giảm 5% về số người chết và giảm 17% về số người bị thương. Nếu so với 10 năm trước, năm 2010, bình quân mỗi ngày ở nước ta có đến 31 người chết vì tai nạn giao thông, thì cũng có thể thấy đến nay tình hình có được cải thiện. Nhưng 133 người chết và 174 người bị thương trong 7 ngày tết vẫn là những con số đau lòng ngay trong những ngày đầu xuân mới. 

Câu hỏi từ những con số đau lòng ảnh 1 Trong ngày tết, Cảnh sát giao thông quận 8 (TPHCM) tuần tra lập biên bản phạt một trường hợp đi xe máy không đội nón bảo hiểm. Ảnh: TUẤN VŨ

10 năm qua, theo sáng kiến của Liên hiệp quốc, Bộ GTVT nước ta đã phát động “Thập kỷ hành động vì an toàn giao thông đường bộ 2011-2020”, và cả nước đã thực hiện Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ đến năm 2020. Nhiều giải pháp đã được triển khai và chung tay thực hiện để kéo giảm các yếu tố nguy cơ gây tai nạn giao thông.

Đây là cơ hội tốt thức tỉnh các nhà quản lý, người tham gia giao thông, tìm sự đồng thuận cao hơn nữa của cộng đồng nhằm phát hiện, đề xuất những biện pháp hữu hiệu để xây dựng một xã hội giao thông an toàn. Luật pháp, các cơ quan bảo vệ pháp luật, các ngành chức năng liên quan và những người thực thi công vụ đã kiên trì xây dựng nền nếp, thay đổi những thói quen có hại trong cộng đồng gây mất an toàn giao thông (như không đội nón bảo hiểm hoặc đội nón kém chất lượng khi đi xe máy; lái xe khi đã uống rượu bia; lái xe quá tốc độ, chở quá tải; sử dụng xe không an toàn…). 

Tuy vậy, từ những con số thống kê đau lòng về tai nạn giao thông, một câu hỏi đang được đặt ra: Vì sao kết quả giảm thiểu tai nạn giao thông chưa thực sự bền vững?

Thực tế cho thấy thực trạng hạ tầng kỹ thuật giao thông vẫn chưa thật đảm bảo: còn nhiều đường đèo dốc rất nguy hiểm; nhiều tuyến quốc lộ chưa có dải phân cách an toàn; nhiều cầu đường xuống cấp không được sửa chữa kịp thời; nhiều con đường có giao lộ ở ngay dốc cầu, bắt buộc xe phải dừng đèn đỏ ngay trên cầu vi phạm Luật Giao thông đường bộ…

Trong khi đó, nhiều người tham gia giao thông vẫn có tâm lý chủ quan, chỉ tuân thủ Luật Giao thông đường bộ ở những tuyến đường có cảnh sát giao thông (CSGT), vẫn phóng nhanh, vượt ẩu, băng qua giao lộ khi đèn đỏ. Có những tài xế sử dụng chất kích thích như ma túy, rượu bia rồi lái xe mà không nghĩ rằng đó là hành vi tự sát, cố sát, vì rất dễ gây ra tai nạn giao thông nghiêm trọng.

Ở nơi này, nơi khác cũng có tình trạng hạn chế về chất lượng đào tạo lái xe, có tiêu cực trong việc cấp phép lái xe, và có cả việc CSGT bảo kê cho các nhà xe chở quá tải. Thế nên, các giải pháp quyết liệt như bắt buộc người đi xe máy phải đội nón bảo hiểm, hay phạt nghiêm người lái xe có nồng độ cồn là rất cần thiết nhưng chưa đủ mang lại kết quả cải thiện an toàn giao thông thực sự. 

Cần có thêm những hành động thiết thực để phòng tránh tai nạn giao thông, trước hết là tạo được nền nếp chấp hành quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ; nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông cho mọi người dân là điều không thể thiếu của một xã hội văn minh.

Đồng thời ngăn chặn và xử lý nghiêm những tiêu cực trong việc không đảm bảo chất lượng cầu đường; ngăn chặn và xử lý nghiêm những tiêu cực trong việc cấp giấy phép lái xe và trong việc kiểm soát, quản lý hoạt động vận tải, trật tự an toàn giao thông. Nâng cao năng lực, phẩm chất đạo đức, ý thức trách nhiệm của đội ngũ CSGT khi làm nhiệm vụ, giáo dục để mỗi CSGT làm nhiệm vụ hiểu rằng đang bảo vệ sự an toàn của người dân với trách nhiệm cao cả, chứ không phải là một cơ hội “kiếm chác”.

Qua 10 năm thực hiện Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ đến năm 2020, rất cần thẩm định, đánh giá kết quả, khắc phục ngay những mặt yếu kém, qua đó thực hiện tầm nhìn đến năm 2030 với các giải pháp mạnh, đột phá, đồng bộ, thực hiện từng bước, liên tục và kiên trì nhằm cải thiện môi trường giao thông trật tự, an toàn, văn minh, hiện đại, thân thiện và bền vững.

Tin cùng chuyên mục